|

ĐÀO TẠO VÀ TUYỂN DỤNG QUAN LẠI THỜI PHONG KIẾN VIỆT NAM


1- Về con đường hình thành quan lại:
Có các cách thức sau:
  • Khoa cử: thông qua các kì chi chọn người đỗ đạt;
  • Tiến cử: Quan lại phát hiện giới thiệu những người có tài, có đức ra làm quan và chịu trách nhiệm về họ;
  • Nhiệm tử (Tập ấm): Con cháu quí tộc, quan lại ra làm quan;
  • Mua bán: khi nhà nước gặp khó khăn về tài chính, áp dụng đối với những chức quan nhỏ...
Trong các hình thức trên, Khoa cử là con đường chính và phổ biến. Chính sách thi cử và tuyển dụng quan lại là chính sách cơ bản, là con đường quan trọng nhất để hình thành nên đội ngũ quan lại thời kỳ phong kiến, đặc biệt là triều đình trung ương.
Suy ngẫm từ lịch sử:
Thử tìm ra các điểm hạn chế và tích cực từ các con đường hình thành quan lại trên? Bài học gì cho hiện tại?
Xây dựng xã hội học tập hiện nay nhưng chỉ dựa vào bằng cấp để đánh giá và tuyển dụng, liệu đã đúng?
2 - Về hình thức, tiêu chí thi cử:
Thời kì phong kiến có một đặc điểm là trọng người hiền tài (tức là vừa có tài vừa có đức).
Thi cử thời kì phong kiến là để chọn người hiền tài về bản chất là một việc làm tốt và có ý nghĩa. Thi cử có 3 kì thi là thi Hương, Thi Hội, Thi Đình:
  • Kỳ thi 1: Thi Hương 3 năm tổ chức 1 lần (Đỗ cử nhân: làm quan; Đỗ tú tài: đỗ vớt; trượt: thầy đồ);
  • Kỳ thi 2: Thi Hội sau 1 năm của thi Hương, chỉ dành cho cử nhân dự thi, nếu đỗ thành tiến sĩ;
  • Kỳ thi 3: Thi Đình – kỳ thi phân loại, chọn 3 người có điểm cao nhất: Trạng Nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Nội dung thi chủ yếu là Tứ thư (Đại học, Trung Dung, Luận ngữ, Mạnh Tử) và Ngũ kinh (Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu).
Hình thức thi là làm thơ, đối đáp, thi viết.
Tiêu chí thi cử là MINH KINH, NĂNG VĂN (thuộc lòng kinh sử và tài làm thơ phú).
Suy ngẫm từ lịch sử:
Điểm hạn chế từ chính sách thi cử, tuyển chọn quan lại? Bài học cho hiện tại?
3 - Về chính sách sử dụng quan lại:
Thứ nhất, qui định hồi tỵ, tức là cấm những người họ hàng thân thích làm việc cùng một nơi; cấm làm việc ở nơi mình đã sinh ra, học tập…
Cụ thể:
Lê Thánh Tông (1460-1497) đặt ra chế độ hồi tỵ theo nguyên tắc: "Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó; không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó; một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng".  

Đến triều Nguyễn, cụ thể là thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, Luật Hồi tỵ đã được ban hành năm 1831 qui định rõ nhiều điều cấm: 
1. cấm quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản; 
2. cấm quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; 
3. người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở; 
4. lại dịch ở nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác; 
5. các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (được hiểu là nơi vị quan đó đã ở trong một thời gian dài), không được làm quan ở quê vợ, quê mẹ mình, kể cả nơi học tập khi còn nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi; 
6. các lại mục, thông lại không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình; 
7. các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác; 
8. các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song khi trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự; 
9. các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi, nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái; 
10. các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân…) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay...

Mục đích của những điều cấm này là gì? Ưu điểm và hạn chế? Hiện nay ta đã kế thừa được những giá trị gì? 


Thứ hai, chế độ khảo khoá: đây là việc kiểm tra lại năng lực phẩm chất của đội ngũ quan lại thường tổ chức 3 năm 1 lần, xếp thành 4 loại:
Loại ưu: thăng chức;
Loại tốt, bình thường: giữ nguyên chức;
Loại khuyết: hạ chức;
Loại yếu: sa thải, bãi chức.
Sinh viên tự đánh giá những ưu điểm của các chính sách trên? Bài học gì cho hiện tại?
4 - Về chức năng, nghĩa vụ của quan lại:
Danh xưng phụ mẫu chi dân (cha mẹ dân) mà người ta thường dùng để chỉ các quan là một bằng chứng điển hình về vai trò quan trọng cũng như về nghĩa vụ nặng nề của các quan thời bấy giờ.
Quan lại phải có nghĩa vụ:
+ Nghĩa vụ đối với vua;
+ Nghĩa vụ đối với dân chúng;
+ Nghĩa vụ đối với bản thân mình;
Quan lại phải thành thực với vua, phải tỏ lòng tôn kính đối với Vua hay Hoàng gia, phải thi hành nhanh chóng, nghiêm chỉnh và cẩn thận mệnh lệnh của nhà vua ban ra.
Đối với dân chúng quan phải thanh liêm, phải giữ bí mật công vụ, phải làm việc nhanh chóng, cần mẫn. Quan lại là người đại diện cho nhà vua và được coi như cha mẹ dân do đó cần phải có một nếp sống khả kính để làm gương cho dân chúng noi theo.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, quyển thứ 19 có viết: “Nếu không có qui chế để khuyên răn và phân biệt kẻ hay người kém thì lấy gì để răn những kẻ tham lam, khuyến khích những người biết giữ khí tiết. ủy thác làm cho phên dậu để giữ gìn nước nhà, giao phó tính mệnh của dân chúng mà để mặc các quan chức chăm chú về lộc vị, chỉ vơ vét cho đầy túi tham, thì tài nào chả làm xấu quan trường và hại dân chúng. Cho nên muốn cho dân yên thì không gì bằng chỉnh đốn quan lại, mà cách chỉnh đốn thì ắt phải có khảo sát công việc, xét rõ hạng thượng hạ, làm cái mức cho thăng giáng; mới phan biệt được người có liêm sỉ và chính trị mới được hoàn toàn. Yếu điểm của bậc đế vương để làm nên cuộc thịnh trị đều không vượt qua lối ấy”.
Quan lại thời kỳ phong kiến chỉ có hai chức năng đó là: Tư vấn (chủ động tâu lên nhà vua); Phụ tá, thực thi quyền lực của vua (giúp vua quản lí các lĩnh vực, giám sát quan lại cấp dưới).

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 18:25. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response