|

TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG THỜI LÊ SƠ

Bài giới thiệu ngắn dưới đây trình bày những nét cơ bản về tổ chức chính quyền trung ương thời Lê Sơ như những định hướng ban đầu để khi có điều kiện sinh viên tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn.
------

Nói đến thời Lê sơ, người ta thường nhắc đến tính chất hoàn bị của bộ máy thời kỳ này. Sở dĩ thời kỳ này có được sự phát triển mạnh về mọi phương diện từ kinh tế, chính trị cho đến xã hội  và xây dựng được bộ máy hoàn bị là do thời kì này hội đủ 3 điều kiện để duy trì mô hình nhà nước này đó là: có một vị minh quân, hệ thống quan lại có tài và có đức, và có một hệ thống pháp luật nghiêm minh.


Trải qua bốn đời vua đầu: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Nghi Dân xã hội Đại Việt đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, nhưng phải bắt đầu từ cuộc cải tổ của Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến mới có được tính chất của một mô hình phong kiến thực sự hoàn bị.  


Ở trung ương, đứng đầu là nhà vua. Nhà vua là người có quyền lực tối cao, nắm cả giáo quyền và thế quyền. Về giáo quyền, nhà vua là vị giáo chủ độc nhất và cao nhất trong cả nước. Về thế quyền, nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay, nhà vua nắm toàn bộ các quyền lập pháp (ban hành pháp luật), hành pháp  (thi hành pháp luật) và tư pháp (xét xử bảo vệ pháp luật).  Ngôi vua chỉ có thể truyền cho một người, người đó là con trai trưởng của nhà vua theo nguyên tắc trọng trưởng, trọng nam. Mục đích của qui định này là nhằm đảm bảo tính thống nhất và vĩnh cửu của nhà nước phong kiến.


Lê Thành Tông đã lập ra đầy đủ các thiết chế như: các Bộ, Tự, Khoa và Viện.


Lục bộ gồm có Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Ban đầu khi Vua Lê Thái Tổ lên ngôi chỉ có hai Bộ là Bộ Lễ và Bộ Lại. Đến đời Lê Nghi Dân (1459), triều đình mới chính thức được tổ chức dựa theo hệ thống của Trung Hoa đặt đủ Lục bộ. Lê Thánh Tông sau này tiếp tục kế thừa và hoàn thiện chức năng của thiết chế Lục Bộ này. 


Về chức năng, Bộ lại là Bộ giữ việc quan tước, phong tước, thuyên chuyển, bãi truất, thăng thưởng, bổ sung quan lại. Bộ Hộ quản lý ruộng đất, nhân khẩu, thu phát bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khoá, muối và sắt. Bộ Lễ quản lý về lễ nghi và đào tạo bao gồm các công việc như tế tự, yến tiệc, trường học, thi cử, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang. Bộ Binh quản lý về quân sự như binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, khí giới, giữ việc biên giới, tuyển dụng chức võ. Bộ Hình quản lý về vấn đề luật lệnh và xét xử người phạm tội ngũ hình. Bộ Công quản lý việc xây dựng thành hào, cầu cống đường sá, việc thợ thuyền, tu sửa xây dựng, quản lý tài nguyên. 
 
Vua Lê Thánh Tông cũng đặt thêm Lục Tự. Về mặt chức năng, Lục Tự trông coi công việc nghi lễ trong triều. Đứng đầu các Tự là các chức quan như: Quan Lộc Tự Khanh, Hồng Lô Tự Khanh, Hồng Lô Tự Thiếu Khanh, Thái Thường Tự Khanh, Thái Thường Tự Thiếu Khanh và Đại Lý Tự Khanh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. 


Ngoài ra còn có Lục Khoa. Chức năng của Lục Khoa là giám sát công việc của Lục Bộ. Lục Khoa bao gồm: Lại Khoa, Hộ Khoa, Lễ Khoa, Binh Khoa, Hình Khoa và Công Khoa (tương ứng với Lục Bộ). Các cơ quan này có quyền hặc tấu lên nhà vua về công việc của Lục Bộ.


Bên cạnh cơ quan này còn có các Viện như:


- Cơ Mật Viện (Đây là cơ quan cao cấp của triều đình, có nhiệm vụ bàn bạc tất cả các việc đối nội, đối ngoại lớn bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động của quốc gia,  tư vấn cho nhà vua quyết định. Thành viên Viện Cơ Mật gồm bốn thượng thư đứng đầu bốn Bộ quan trọng nhất, hoặc Liên bộ, thường gọi là "Tứ trụ triều đình"),


- Hàn Lâm Viện (Cơ quan có chức năng lo biên soạn văn thư), 


- Ngự sử đài (Cơ quan giám sát ở triều đình có nhiệm vụ can gián vua, chất vấn quan lại. Người đứng đầu Ngự sử đài có quyền hành lớn, có hàng nhị phẩm tương đương quan Thượng Thư), 


- Quốc Tử giám (Quốc Tử Giám là trường học cao cấp đầu tiên ở Việt Nam, được xây vào thời Lý (1070), là nơi thờ các thánh hiền đạo Nho và là nơi dạy dỗ, đào tạo các hoàng tử và con em quý tộc. Từ 1253 trở đi, vua Trần Thánh Tông mở rộng Quốc Tử Giám thu nhận cả học trò giỏi thuộc các tầng lớp nhân dân


- Quốc sử Viện  (cơ quan lưu trữ và phụ trách biên soạn lịch sử, cũng như địa chí. Cơ quan này có nhiệm vụ hàng ngày ghi chép lại một cách độc lập những lời nói và việc làm của vua)


- Thái Y Viện (cơ quan lo thuốc men, chữa bệnh). 

Nhận xét chung


Về cơ bản, công cuộc cải tổ của Lê Thánh Tông là nhằm tập trung tuyệt đối quyền lực vào người đứng đầu nhà nước là nhà vua, tăng cường sức mạnh của bộ máy quan liêu. Lê Thánh Tông đã bãi bỏ một số chức quan, cơ quan và các cấp chính quyển trung gian, thành lập các cơ quan giám sát kiểm soát lẫn nhau để ngăn ngừa sự lạm quyền.

Sự hoàn bị và được đánh giá cao trong tổ chức chính quyền thời kỳ này là  bên cạnh việc phân công chức năng, nhiệm vụ tương đối rõ ràng giữa các cơ quan còn có cả những thiết chế giám sát, phản biện như Lục khoa và đặc biệt là cơ quan Ngự sử đài. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao tính chất hoàn bị của mô hình này không chỉ ở chỗ bộ máy thời kỳ này có nhiều chức quan hơn, được chuyên môn hoá hơn so với thời kỳ trước mà chính ở thiết chế giám sát quyền lực.

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 07:52. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response