|

Vướng mắc cách tính số tiền đánh bạc trong hướng dẫn mới của TANDTC

      Tham khảo thêm:
       Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ra Nghị quyết 01/2010 hướng dẫn xử lý các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
       Bên cạnh điểm tiến bộ là không tính “tiền ảo” làm căn cứ buộc tội so với hướng dẫn cũ, NQ vẫn còn những điểm chưa rõ, làm nhiều cơ quan tố tụng băn khoăn…khi xử lý các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc 


Tính tiền đánh đề không dễ
       Thay đổi được đánh giá cao của Nghị quyết 01/2010 so với hướng dẫn cũ là không áp dụng “tiền ảo” để tính số tiền đánh bạc làm căn cứ buộc tội. Cụ thể, nếu người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ. Nếu họ không trúng, không thắng cược hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ…
Tuy nhiên, nhiều tình huống đánh đề thực tế làm cơ quan tố tụng lúng túng khi xác định số tiền đánh bạc vẫn chưa được Nghị quyết 01/2010 hướng dẫn.

       Tình huống 1: Công an bắt chủ đề lúc 15 giờ 30 (chưa có kết quả xổ số). Khi bị bắt, tổng cộng các phơi đề của chủ đề là 1,9 triệu đồng, chưa đủ định lượng để khởi tố (2 triệu đồng). Đến 17 giờ, A. thấy mình trúng đề, không biết chủ đề đã bị bắt nên vẫn tìm đến lãnh tiền trúng đề như quy ước là bỏ ra 100.000 đồng “ăn” 70 lần, tức 7 triệu đồng.

       Ở đây, số tiền đánh bạc của chủ đề chưa đến 2 triệu đồng, nếu cộng thêm phần trúng đề của A. (7 triệu đồng) thì đủ định lượng để khởi tố. Còn A. bị bắt sau khi có kết quả xổ số, A. đã trúng đề và số tiền đánh bạc cũng đủ để khởi tố (100.000 đồng tiền ghi đề + 7 triệu đồng tiền trúng đề). Nhưng vấn đề là chủ đề đã bị bắt trước khi có kết quả xổ số thì xử lý sao?

       Tình huống 2: Cùng một ngày, T. ghi đề của hai “huyện đề” khác nhau là L và P. Rồi L bị bắt, công an xác định số tiền T đánh bạc với L là 1,8 triệu đồng. Tiếp đó, bắt được P, công an xác định số tiền T đánh bạc với P là 900.000 đồng

       Ở đây, nếu tính từng vụ, số tiền đánh bạc của T. chưa đủ định lượng để khởi tố về tội đánh bạc. Nhưng nếu cộng dồn hai vụ, T. sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người chơi đề ghi đề với nhiều “huyện đề” khác nhau như T. có bị xem là đánh bạc một lần hay không để cộng dồn số tiền đánh bạc?

       Một tình huống phụ: Sau khi hỏi ý kiến, công an xác định có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T. thì lại nảy sinh rắc rối: “Huyện đề” P. có dấu hiệu tâm thần, cần phải đưa đi giám định. Đặt ra trường hợp nếu P. bị bệnh thật thì T. đã chơi đề với người tâm thần. Vậy tiền chơi đề giữa hai bên có được xem là tiền đánh bạc hay không?

Rối về “đánh bạc với nhau”

       Điểm a khoản 4 Điều 1 NQ 01/2010 hướng dẫn: “Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt: Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 điều này”…

       Trên thực tế, hiểu khái niệm “đánh bạc với nhau” ở trên không đơn giản. Đánh bạc với nhau được hiểu là trực tiếp ăn thua với nhau hay chỉ cần ngồi chung sòng bạc? Chẳng hạn ở bài cào, người ta thường chơi theo hai dạng, một là các con bạc đặt số tiền như nhau vào giữa, lật bài ai lớn điểm thì gom hết; hai là từng con bạc ăn thua trực tiếp với người làm cái. Với dạng thứ nhất thì khái niệm “đánh bạc với nhau” đã rõ nhưng với dạng thứ hai đang gây tranh cãi. Khi bắt, công an có được xem những người đánh bạc ngồi cùng sòng dù không hề ăn thua với nhau là đang “đánh bạc với nhau”, từ đó cộng tất cả số tiền trên chiếu bạc để làm căn cứ xử lý hay không?

       Một trường hợp cụ thể đã được VKS quận 11 đưa ra: Công an bắt được các đối tượng đang chơi tài xỉu do T. làm cái. Số tiền thu trên chiếu bạc là 3 triệu đồng. Trong túi T. có 5 triệu đồng, được khai là vốn để thầu, trong túi các con bạc có người chỉ còn 20.000 đồng. Các con bạc khai chỉ mang theo từ vài chục ngàn đồng đến 100.000 đồng. Vậy các con bạc có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

       Nhiều ý kiến cho rằng những con bạc này dù ngồi cùng sòng nhưng không phải là “đánh bạc với nhau” mà từng người ăn thua trực tiếp với nhà cái. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại rằng phải xác định họ “đánh bạc với nhau”, từ đó tính tiền đánh bạc là tất cả tiền trên chiếu bạc cộng với tiền trong người của nhà cái cùng các con bạc để làm căn cứ xử lý hình sự.

Chơi bài cào có được cá thể hóa trách nhiệm?
       Theo một thẩm phán, việc chơi bài cào và đánh đề có cái giống nhau ở chỗ chỉ ăn thua với nhà cái, không quan tâm tới thắng thua của người khác. Nhưng hai hình thức này lại khác nhau ở chỗ với bài cào thì các con bạc sẽ gặp nhau, cùng ngồi vào một chiếu bạc, còn với đánh đề thì các con bạc không cần biết mặt nhau.
Nghị quyết 01/2010 hướng dẫn trường hợp ghi số đề được cá thể hóa TNHS nhưng với bài cào, một hình thức đánh bạc phổ biến thì lại không đề cập. Vì vậy, cơ quan tố tụng thường tính tất cả số tiền trên chiếu bạc để xử lý chung các con bạc chơi bài cào. Vô hình chung việc này đã đi trái với nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm của pháp luật hình sự.

Một số ý kiến:
  1. Việc xác định tiền trong túi của con bạc có phải là tiền đánh bạc hay không đang là một thực tế cười ra nước mắt. Thực chất, công an không có khả năng chứng minh tiền trong túi con bạc đem theo sẽ dùng hết vào việc đánh bạc nên chỉ dựa vào lời khai của con bạc để làm căn cứ xác định. Như vậy, tùy thuộc vào lời khai và sự hiểu biết của con bạc mà cách xử lý của pháp luật đối với từng trường hợp đánh bạc sẽ rất khác nhau. (Một thẩm phán tòa quận tại TP.HCM)
  2. Theo tôi, hành vi của người ghi đề (đã được xác định đủ cơ sở khởi tố) phải bị xử lý về tội tổ chức đánh bạc mới chính xác. Đây không thể xem là hình thức một người đánh bạc với nhiều người để xử về tội đánh bạc như hiện nay vẫn áp dụng. Bởi lẽ người ghi đề có sự chuẩn bị trước về giấy bút, tiền để ăn thua, công đi tìm người ăn thua với mình và việc tổ chức của họ có quy mô. (Kiểm sát viên Nguyễn Anh Đức, VKSND TP Đồng Hới, Quảng Bình)


Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 05:28. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response