|

NÓI VÀ LÀM: MẤT CƠ HỘI VÌ CẢI CÁCH KIỂU CHẬM ĐỀU

Tác giả: Lê Khắc
Nguồn: Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VEF), 
đăng ngày 5/12/2011,
truy cập tại địa chỉ: http://vef.vn/2011-12-04-noi-va-lam-mat-co-hoi-vi-cai-cach-kieu-cham-deu  

(VEF.VN) - Những hạn chế của môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục kéo dài và chậm cải thiện đang làm mất lòng tin của nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngay cả với DN trong nước.

Trong khi kinh tế khó khăn, môi trường kinh doanh càng cần được cải thiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Đó là sự hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2011, điều đó đã không được thể hiện. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tụt hạng, đã có nhiều than phiền từ DN trong nước và cộng đồng đầu tư nước ngoài.

Không ít lời cảnh báo cho biết, sẽ từ bỏ Việt Nam tìm đến những thị trường khác nếu việc cải thiện môi trường đầu tư không có đột biến và vẫn duy trì tốc độ chậm đều như hiện nay.

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 98 trên tổng số 183 nước trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2012, giảm 8 bậc so với năm 2011.


Trong khi đó, cộng đồng các nhà DN Châu Âu (EuroCham) ở Việt Nam cũng công bố Sách Trắng 2012 - "Các vấn đề Thương mại - Đầu tư và kiến nghị" trong đó thể hiện sự thất vọng về việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam và lòng tin của DN châu Âu với Việt Nam đã có chiều hướng giảm mạnh từ đầu năm 2011.

Trọng một điều tra gần đây nhất (10/2011) về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham Việt Nam, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm. Điều đó thể hiện một sự sụt giảm về lòng tin của nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Đáng chú ý, báo cáo tại Diễn đàn DN Việt Nam đã cho rằng, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh ở lĩnh vực gắn liền với chi phí đầu vào, đó là thuế và đất đai lại không có chuyển biến nhiều. Cùng đó, nhóm vấn đề ít cải thiện nhất năm 2011, bên cạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhái hàng giả, VBF cho biết còn có nhóm vấn đề tiếp cận đất đai và tiếp cận ngoại tệ. 
Đặc biệt, lần đầu tiên, vấn đề quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ được xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo ngại nhất. Điều này là rất đáng lo ngại vì ổn định vĩ mô vốn là một thế mạnh của Việt Nam thì bất ổn kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Chưa thể hài lòng với tốc đô cải thiện môi trường đầu tư chậm trong những lĩnh vực rất nhạy cảm với DN. Các nhà đầu tư tiếp tục chỉ ra những lĩnh vực mà Việt Nam cần cải thiện như: cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện hệ thống thông tin và viễn thông năng lượng, cải thiện hạ tầng vận tải, giảm rào cản gia nhập thị trường, vấn đề nhân lực...

Rõ ràng, đây không phải là những đề xuất mới mà là những vấn đề đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong đề xuất của các nhà đầu tư. Hơn thế, đây cũng chính là những nội dung mà Việt Nam đã nhận biết và rất nỗ lực để cải thiện.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến nay nhưng đề án, kế hoạch, các chương trình cải cách vẫn chưa đem lại được nhiều đột phá để thể hiện được ưu thế của Việt Nam trong canh tranh với các nền kinh tế khác.

Từ những cảnh báo này, nhìn lại trên thực tế cho thể thấy có rất nhiều hạn chế kéo dài, và đến nay như đã trở thành một thực tế tất yếu đầy thất vọng.

Đó chính là việc thiếu hụt năng lượng. Hàng năm, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng. Thế nhưng, hàng loạt nhà máy điện, công trình lưới điện đã được quy hoạch, khởi công... lại liên tục bị chậm tiến độ.

Quy hoạch điện VI đi vào kết thúc với khiếm khuyết lớn nhất là hàng chục nhà máy điện đã không được xây dựng theo tiến độ. Còn Quy hoạch điện VII khởi động lại đối mặt với vấn đề thiếu hụt tài chính, thua lỗ từ EVN... khiến cho nó lại được cảnh báo lặp lại trình trạng cũ. Và tất nhiên, với thực tế đó, năng lượng thiếu hụt vẫn còn kéo dài.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phải thông xe tạm một đoạn trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vì đoạn đường cao tốc huyết mạch này đã chậm nhiều năm, Việc thông xe tạm để giảm tải cho Quốc lộ I chỉ như là một biện pháp cấp cứu cho con đường huyết mạch Bắc - Nam đã xuống cấp và quá tải trầm trọng.

Không những thế, hàng loạt đầu mối giao thông quốc tế lớn như: Vân Phong ở Khánh Hòa; Lạch Huyện ở Hải Phòng, Nhà gia và đường bằng T2 ở Nội Bài... tất cả đều trong tình trạng chậm trễ.

Thực tế đó khiến cho hạ tầng giao thông vốn đã yếu kém càng thể hiện một bộ mặt bất cập, không đáp ứng được sự phát triển kinh tế, Yếu điểm hạ tầng đã được gọi tên hàng chục năm nay, đã được đầu tư rất nhiều tiền nhưng chậm vẫn hoàn chậm và tắc vẫn tắc. Hạ tầng giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với các nhà đầu tư. Và nỗi ám ảnh đó có thể sẽ lớn dần khi sực cải thiện vẫn còn chậm chạp.

Còn đối với cải cách thủ tục hành chính, sau khi có được những đột phá trong giai đoạn trước với động thái thống kê và ông khai toàn bộ dữ liệu thủ tục hành chính quốc gia; thực hiện ra soát để đơn giản và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. Đáng kể nhất, một nghị quyết nêu rõ hàng trăm loại thủ tục cần cắt giảm đã ban hành đã thể hiện quyết tâm và cam kết của nhà nước với các DN.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước đầu mà đến nay vẫn chưa có một báo cáo bao nhiêu thủ tục chính thức được cắt giảm theo yêu cầu, tác động của nó đến đâu. Và điều quan trọng hơn, đó mới chỉ là những thành quả bước đầu và cần phải phát huy mạnh mẽ hơn để đáp ứng những mong đợi của người dân và DN. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà đầu tư vẫn đang vấp phải rất nhiều khó khăn và rắc rối vì thủ tục hành chính.

Kinh tế Việt Nam khó khăn khi lạm phát tăng cao, đối mặt với bất ổn vĩ mô. Điều đó buộc Chính phủ phải thực thi những chính sách thắt chặt để ổn định và hướng tới phát triển trong dài hạn. Các chính sách thắt chặt đó đã ảnh hưởng lớn đến các DN và nhà đầu tư. Tuy nhiên, với ý thức và cam kết đồng lòng với Chính phủ, cộng đồng DN vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách thắt chặt để ổn định vĩ mô, tái cơ cấu và phát triển bền vững.

Trong khó khăn, khi không thể tăng vốn, tăng đầu tư cho DN và nền kinh tế thì việc quan trọng và hữu hiệu nhất để hỗ trợ các DN là phải cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư trên các lĩnh vực: hạ tầng, năng lượng, thủ tục hành chính, nhân lực... để giảm chi phí, gia tăng cơ hội và hiệu quả cho DN.

Hơn thế, đây chính là những biện pháp quan trọng, căn cơ và dài hạn nhất để gia tăng năng lực cạnh tranh cho DN, cho nền kinh tế trong cuộc đua tranh phát triển với các nước trong khu vực và thế giới.


Tuy nhiên, với thực tế cải thiện chậm chạp, thiếu những đột phá trong khi trên cùng đường đua, các nước khác lại có những bước đi mạnh mẽ để vượt lên, đẩy chúng ta tụt lại phía sau. Và điều lo ngại là khi tốc độ cải cách của nhiều nước liên tục được thúc đẩy và gia tăng thì tốc độ chậm đều có thể sẽ khiến Việt Nam gạt khỏi danh sách lựa chọn của các DN và nhà đầu tư lớn, suy giảm tính hấp dẫn của một thị trường tiềm năng. Và điều đó chẳng khác nào là chúng ta đang tự loại mình khỏi đường đua.

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 18:16. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response