TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠN CHẾ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN?
(TuanVietNam)- Muốn thay đổi tình trạng NCKH trong sinh viên hiện nay phải có sự thay đổi từ cả ba chủ thể: Nhà trường – sinh viên – các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần sử dụng các sản phẩm khoa học. Không thể có sản phẩm khoa học chất lượng một khi nhà trường không định hướng, hỗ trợ; sinh viên không thiết tha với NCKH...
Đó có vẻ như là sự vô lý, nhưng tiếc thay lại là sự thật, khi nhìn vào ba điều kiện có ý nghĩa quyết định tới chất lượng của các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các trường ĐH nước ta hiện nay, nhất là các đề tài mang tính ứng dụng.
Muốn nghiên cứu khoa học (NCKH), trước hết sinh viên phải được đặt trong một không gian thực sự khoa học. Nhưng liệu trường ĐH của ta hiện nay đã có một không gian NCKH thực sự chưa? Và tại sao môi trường ấy lại chưa đủ sinh khí làm nảy nở ra nhiều cá tính độc đáo và những sinh viên có bản lĩnh trong NCKH?
Hết môn học này đến môn học khác, hết năm học này đến năm học khác, những ngày tháng nơi giảng đường ĐH của mỗi sinh viên không chỉ gắn với những kỳ thi, với đủ loại thông tin, từ các môn chung đến các môn chuyên ngành và còn gắn với rất nhiều những tiểu luận môn học, niên luận, báo cáo khoa học hàng năm, rồi sau này, trước khi ra trường là đồ án hoặc khoá luận tốt nghiệp.
Điều đó có nghĩa là sinh viên trong trường ĐH phải có khá nhiều sản phẩm khoa học, nhưng có một thực tế, những sản phẩm này được hoàn thành xuất phát bởi kế hoạch học tập theo hạn định, bởi nhiệm vụ bắt buộc nhiều hơn là từ sự yêu thích thực sự. Chính vì thế, nên đa phần trong số đó là những sản phẩm dở dang, vì dù có yêu thích đi nữa, sinh viên thường cũng không có đủ thời gian, đủ điều kiện và địa chỉ cụ thể đón nhận sản phẩm của mình để tiếp tục sự say mê
[1]. Góp phần làm hạn hẹp không gian khoa học còn phải kể đến một rào cản tâm lý xã hội vô hình nhưng đang tồn tại, đó là tâm lý không dung dưỡng cho những cá tính trội vượt. Tâm lý đó chúng ta không nhìn thấy, sờ thấy, nhưng nó đang hiện hữu và là trở ngại ngầm không nhỏ cho sự phát triển xã hội, và môi trường NCKH trong trường ĐH nói riêng. Sinh viên vẫn đang được đặt trong một môi trường, một không gian mà ở đó người ta vẫn ưa "dàn hàng ngang cùng tiến" hơn sự nổi trội của tài năng cá nhân.
Với quan niệm đó, môi trường ĐH hiện nay đang hạn chế không ít khả năng phát hiện vấn đề, khả năng phản biện của người học - những khả năng rất cần cho NCKH. Đã là khoa học thì không có sự cao thấp, không phải cứ là những người có học hàm học vị cao thì luôn luôn đúng. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, trước những vấn đề cần có thông tin nhiều chiều, cần những góc nhìn khác nhau để tiếp cận toàn diện các vấn đề. Người thầy không còn là người độc quyền ban phát kiến thức, càng không phải là người luôn đúng.
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp, nhưng đôi khi do nhận thức hời hợt khiến nhiều người ngộ nhận rằng người thầy luôn đúng. Điều đó vô tình cổ vũ cho lối học thụ động, một chiều ở sinh viên. Dẫn đến một thực tế, nhiều sinh viên biết thầy chưa đúng, cách tiếp cận của thầy còn phiến diện, lạc hậu, một chiều nhưng lại không dám phản đối, không dám nói khác đi. NCKH đối với nhiều sinh viên hiện nay là sự “nói theo thầy, viết theo thầy”, hiếm khi bắt gặp cách “làm khác thầy”.
Thiếu kết nối đời sống học thuật và đơn đặt hàng từ thực tiễn
Đề tài nghiên cứu nào cũng vậy, dù ở bất kỳ chuyên ngành nào, vấn đề đáng nghiên cứu trước hết phải thực sự đang gặp vướng mắc về lý luận hoặc thực tiễn. Đó là công việc đi tìm lời giải thích và thực hiện các dự báo cho các câu hỏi mà khoa học và thực tiễn chưa có đáp án
Trong khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội và nhân văn, luôn cần đến sự kế thừa và phát triển. Đa phần các đề tài của sinh viên hiện nay đều mắc một lỗi khá giống nhau là không nêu được và không đánh giá được những kết quả của những công trình đã nghiên cứu trước đó.
Một khi không đánh giá được tình hình nghiên cứu, sinh viên sẽ không biết được mình đang đứng ở đâu, không thấy được những gì người khác đã làm, những gì còn đang bỏ ngỏ, để mà nghiên cứu tiếp. Chính vì thiếu sự kết nối, thiếu đánh giá những thành quả mà người khác đã làm, cả trong nước và thế giới, khiến nhiều công trình của sinh viên cũng thường thiếu giá trị khoa học thực sự. Đối với các ngành khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng, tình hình càng không mấy khả quan hơn.
Hơn nữa, nhiều đề tài của sinh viên hiện nay chưa mang được hơi thở cuộc sống do chưa được gắn với những địa chỉ cụ thể. Từ trước tới nay, chưa có sự bắt tay chặt chẽ giữa việc sinh viên NCKH và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học. Khi chưa có sự gắn kết như thế thì những đề tài nghiên cứu của sinh viên sẽ không thể mang tính thực tiễn và tính ứng dụng cao.
Thiếu kỹ năng, phương pháp
Người thầy có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động NCKH của sinh viên, cụ thể là gợi mở các vấn đề và hướng đi hợp lý, rèn luyện cho sinh viên một số kỹ năng tư duy, kỹ năng đọc, kỹ năng viết, kỹ năng phản biện; trợ giúp tìm tài liệu, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu; tư vấn, giải đáp băn khoăn, chỉnh sửa sai sót. Đáng buồn, nhiều nơi sinh viên chưa được hưởng sự định hướng một cách khoa học, đầy đủ như vậy.
Không ít trường vẫn quan niệm NCKH của sinh viên chỉ là hoạt động phong trào. Mà đã là phong trào, không phải nhu cầu tự thân, nghiêm túc, bền bỉ, sẽ rất dễ nảy sinh hiện tượng chạy theo thành tích, làm đối phó, có tính thời điểm, và chất lượng không cao.
Tệ hại hơn, có ý kiến còn cho rằng công tác này chỉ là sự tập dượt cho sinh viên nghiên cứu, còn NCKH thực sự phải dành cho bậc tiến sĩ. Cách nghĩ này định kiến và nguy hiểm vì vô hình đã hạ thấp, thậm chí phủ nhận thành quả NCKH của sinh viên ngay từ trong trứng nước.
Cũng chính vì thiếu định hướng, sự tương tác giữa nhà trường với xã hội nên không ít sinh viên gặp khó khăn khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp để nghiên cứu thực tế, xin số liệu, xin được phỏng vấn chuyên gia v.v
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phòng ốc thiếu thốn, trang thiết bị nghèo nàn, lại không có chi phí để khảo sát, đo đạc, thí nghiệm thì chúng ta chưa thể hy vọng và đòi hỏi sẽ có nhiều những công trình khoa học thực sự chất lượng của sinh viên có tính ứng dụng cao.
Chương trình học hiện nay khá nặng với rất nhiều môn học lý thuyết, nhưng lại rất hiếm các môn học về phương pháp nghiên cứu chuyên ngành - một kỹ năng quan trọng của những người lao động tri óc. Sinh viên ở nhiều trường ĐH vẫn chưa được học môn phương pháp NCKH, chưa được học cách xây dựng đề tài, và khi bắt tay vào thực hiện thì lúng túng, hầu hết đều loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, làm gì và muốn đạt kết quả nào, cho ai.
Muốn thay đổi tình trạng NCKH trong sinh viên hiện nay phải có sự thay đổi từ cả ba chủ thể: Nhà trường – sinh viên – các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần sử dụng các sản phẩm khoa học. Không thể có sản phẩm khoa học chất lượng một khi nhà trường không định hướng, hỗ trợ; sinh viên không thiết tha với NCKH; các cơ quan, doanh nghiệp không hợp tác trong việc ứng dụng các sản phẩm khoa học.
Khắc phục những hạn chế trên có rất nhiều việc cần phải làm, và làm một cách đồng bộ, nhưng có lẽ cần phải chọn một khâu trọng tâm nhất, đó chính là sự chủ động hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp từ phía nhà trường, là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách định hướng cho người học từ chính các giảng viên.
Nguyễn Minh Tuấn (CHLB Đức)
(Nguồn: Vietnamnet. Có thể truy cập bài viết tại đây)
------------------------------------------------------------------
[1] Thiếu không gian, thiếu động lực, hàng năm biết bao nhiêu những đồ án, khoá luận, đề tài khoa học của sinh viên được thực hiện, trong đó có khá nhiều đề tài làm rất tốt, được giải cao, nhưng rồi gần như tất cả vẫn chỉ nằm đâu đó lặng lẽ, trang nghiêm trên giấy tờ rồi đi vào sự quên lãng đáng sợ.[2] Một sinh viên giỏi, hay phát biểu nhiều thì rất dễ không được lòng các bạn trong lớp; một sinh viên thẳng thắn chỉ ra sai lầm trong khoa học của một thầy cô giáo nào đó, không khéo sẽ bị coi là vô lễ, thậm chí sẽ phải chịu tác dụng ngược lại; một cử nhân mới tốt nghiệp mà lại tỏ ra giỏi hơn những đồng nghiệp khác hoặc nếu giỏi hơn cả lãnh đạo nữa thì người đó có thể sẽ gặp không ít khó khăn.[3] Một công trình khoa học dù ở cấp độ nào, tôi cho rằng cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:-. Tính mới: Đề tài được thực hiện không trùng lặp hoàn toàn với các công trình khoa học trước đó.
-. Tính thời sự: Xã hội hiện nay đang quan tâm, thể hiện trên TV, mạng, báo chí, diễn đàn…
-. Tính thực tiễn: Đề tài phải giải quyết các hiện tượng xã hội đang diễn ra, hoặc sắp diến ra trong tương lai gần đối với đất nước hoặc 1 địa phương, hoặc đáp ứng được những đòi hỏi của một địa chỉ cụ thể.
-. Tính khả dụng: Khi sản phẩm hoàn thành, có thể được ứng dụng ngay để giải quyết các vấn đề đang đặt ra, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, không bị lệ thuộc quá nhiều vào điều kiện khách quan.
-. Tính hợp lý: Phải chứng minh được bằng những lý thuyết, những lập luận logic, những thông tin và số liệu thống kê, điều tra, …
-. Tính kế thừa: Có sự đánh giá, sự tận dụng được những kết quả có sẵn của các công trình nghiên cứu trước đó, từ đó thể hiện công trình của mình với bước tiến mới so với các công trình trước đó. Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M: