|

HÀNH PHÁP Ở HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ


(Nguồn ảnh minh hoạ trên được lấy từ đây)
HÀNH PHÁP Ở HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội
 
(Báo đời sống và pháp luật, Số 26 (48) - Từ ngày 29/6 đến 5/7/2007, trang 12)

Cách đây đúng 220 năm (năm 1787), có một hội nghị có tên là Hội nghị lập hiến được tổ chức ở nước Mỹ xa xôi, họ đã từng bàn về vấn đề vai trò của ngành Hành pháp, những tư tưởng ấy chủ yếu được thể hiện trong tập hợp những bài viết về chủ trương chế độ liên bang (Federalist Papers) của các tác giả Madison, Halminton và John Jay.
Vấn đề vừa xa mà lại vừa gần. Xa vì thời gian, xa vì địa lý, nhưng gần vì nó là vấn đề mà ngành hành pháp nào không phân biệt chế độ chính trị, xã hội, muốn hiệu năng, cũng phải đặt ra những vấn đề như thế để giải quyết.
Những nhà lập hiến thực sự đã có tư tưởng vượt trước thời đại, vượt trước so với bối cảnh của xã hội nước Mỹ bấy giờ. Điều đó đã được thời gian kiểm nghiệm, Hiến pháp Mỹ năm 1787 là bản Hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đến nay mặc dù đã có những tu chính hiến pháp, nhưng kết quả của Hội nghị đó là 7 điều của Hiến pháp Mỹ thì vẫn còn nguyên hiệu lực thực tế.
Tại sao Hiến pháp Mỹ lại qui định "Tổng thống phải do dân bầu?". Trong hội nghị đó, đại diện của các tiểu bang đã tranh luận và thống nhất một vấn đề có tính nguyên tắc là nếu quyền lực thuộc về nhân dân, thì nhân dân phải được bầu ra một thiết chế có thực quyền nhất. 220 năm đã trôi qua, đến nay dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận một sự thật mà các nhà lập hiến Mỹ đã lường tính là đối với các nhà nước đương đại, người đứng đầu hành pháp là một thiết chế mạnh, có thực quyền và có khả năng quyết sách nhanh nhậy, kịp thời các vấn đề lớn của đất nước. Trong một thế giới đổi thay không ngừng, với sức ép của thị trường, của công luận không cho phép có những quyết sách chậm chễ. Trước những vấn đề trọng đại của đất nước, người đứng đầu hành pháp phải tuyên bố và nêu ra chính kiến của mình, và quan trọng là phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân.
Rồi thử suy nghĩ tiếp, tại sao những nhà lập hiến lại đặt ra vấn đề: "Tổng thống có quyền phủ quyết các đạo luật của Nghị viện?". Phải chăng triết lý của vấn đề là ở chỗ: Ai quản lí thật, người đó đưa ra "luật" là sát nhất, vì có quản lý thật mới biết các vấn đề cuộc sống đang mắc ở đâu, cuộc sống đang cần gì, có những khó khăn gì, khả năng tháo gỡ, và tháo gỡ như thế nào. Hơn nữa làm luật cần nhất là phải cẩn trọng, Nghị viện thông qua luật nhưng cũng cần phải tính đến khả năng của Hành pháp trong việc đưa luật đó vào cuộc sống. Đấy cũng chính là chú ý đến tính khả thi của luật.
Tổng thống có thể bổ nhiệm thành viên Hành pháp, bổ nhiệm thẩm phán nhưng vẫn phải được Thượng Nghị viện phê chuẩn. Tại sao cần phải như vậy? Các nhà lập hiến cho rằng, sự phê chuẩn ấy sẽ tạo ra một sự đối trọng khách quan cần thiết tránh nguy cơ tạo thành những nhóm lợi ích bởi những quan hệ thân hữu. Rồi Tổng thống có quyền rất lớn nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm chính trị, đó chính là thủ tục điều trần (impeachment) của Nghị viện và buộc Tổng thống phải từ chức nếu phản quốc, tham nhũng, phạm trọng tội.
Sự tài tình của các nhà lập hiến ở chỗ mặc dù tạo ra một ngành hành pháp bị kìm chế đối trọng (check and balance), bị giám sát nhưng nó vẫn có khả năng phát huy cao độ những gì một ngành hành pháp cần phải có.
Chớ vội tự mãn với câu chữ mà hậu thế vay mượn của Abraham Lincoln "nhà nước của dân, do dân, vì dân". Các nhà nước đương đại trên thế giới đều tuyên bố hùng hồn những mỹ từ đó. Nhưng triết lý của vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để người dân thực sự làm chủ mới là vấn đề quan trọng. Nếu quyền lực không có sự giám sát, chế ước bởi các cơ quan khác rất dễ dẫn tới nguy cơ lạm quyền, và nguy hiểm hơn là một nguy cơ người dân không có quyền làm chủ thực sự, hoặc quyền làm chủ chỉ là hình thức hoặc bị cắt xén.
Mục đích của Hiến pháp là gì, nếu không phải là đảm bảo dân quyền và giới hạn quyền lực nhà nước, hạn chế nguy cơ lạm quyền từ phía nhà nước? Nhìn vào lịch sử ta sẽ thấy, những nhà lập hiến Hoa Kỳ đã khéo léo tạo ra một chính quyền liên bang đủ mạnh (trong đó quan trọng nhất là ngành hành pháp), khéo léo giới hạn quyền lực của cả liên bang lẫn tiểu bang để bảo vệ quyền con người. Kết quả là người dân Mỹ được tự do đi lại, tự do hội họp, tự do ngôn luận, có niềm tin vào chính trị và niềm tin vào công lý trong xã hội.
Cái gì hợp lý thì tồn tại, và cái gì tồn tại lâu dài theo thời gian là ít nhiều đã chứa đựng tính hợp lý. Những suy nghĩ tiến bộ của những nhà lập hiến Mỹ cách đây hơn hai thế kỷ, đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ và trở thành giá trị văn minh chung của nhân loại. Ngày nay bất kì quốc gia nào, không phân biệt chế độ chính trị, muốn văn minh, tiến bộ không thể khác hơn đều đã và đang kế thừa những hạt nhân hợp lí, tích cực của những tư tưởng về xây dựng một ngành hành pháp mạnh và hiệu năng này.

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 08:25. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response