HỎNG TỪ TRONG CHẤT LIỆU
Năm 2006, công tác tại Điện Biên, tôi đã có dịp đến thăm hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; Các đồi A1, C1, D1, E1; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập và khu hầm Đờcát (hay còn gọi là trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp).
Tôi còn nhớ mãi hôm đó được các anh chị học viên đưa đi thăm công trình rất mới là tượng đài kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa hoàn thành, đặt tại trung tâm thành phố.
Nghe kể tôi rất háo hức và mừng cho đất nước, mừng cho tỉnh Điện Biên có thêm một công trình xứng đáng với một chiến thắng tầm cỡ thế giới như chiến thắng Điện Biên phủ.
Khi đến đó, một học viên đi cùng hồ hởi nói: “Giới thiệu với thầy đây là công trình được làm từ 220 tấn đồng nguyên chất, là tượng đồng lớn nhất Việt Nam, vừa mới khánh thành ngày 30.04.2004 đấy ạ”.
Tượng đài mới khánh thành nhưng ai cũng đều dễ dàng nhìn thấy những vết gỉ đồng xanh xung quanh, còn tường kè thì đã có nhiều vết nứt. Điều này khiến tôi nghi ngờ về chất lượng công trình, tôi hỏi lại anh học viên đó: “Anh có tin là tượng đài này đúng là được làm từ 220 tấn đồng không?”
Anh trả lời tôi rằng: “Phải tin chứ ạ. Một công trình lịch sử quan trọng thế này, ai lại dám làm ẩu được ạ.”
Tôi vẫn nhớ mãi hai từ phải tin. Phải tin, đúng rồi, phải tin để mà sống chứ. Cũng nhờ tin nhau, tin vào ngày chiến thắng mà đất nước này mới có ngày hôm nay cơ mà. Thế nên lúc đó tôi mong lắm sự nghi ngờ của mình là sai.
Nhưng không, thật buồn đó lại là sự thật. Chỉ ít lâu sau báo chí đã đưa tin tượng đài được coi là nhất Việt Nam, được ca ngợi là công trình thế kỉ kia hóa ra không phải là 220 tấn đồng nguyên chất như báo chí loan tin mà thực tế chỉ là một công trình bị rút ruột còn 120 tấn đồng, và là đồng phế liệu (1).
Người ta đang gắng gượng tìm mọi cách vá víu tượng đài, nhưng phỏng có ích gì một khi nó đã hỏng từ bên trong, hỏng từ trong chất liệu rồi thì sự vá víu sẽ chỉ làm cho công trình trở nên nhem nhuốc và tầm thường mà thôi.
Mất 100 tấn đồng thực ra là mất ít, cái mất nhiều hơn là niềm tin, đặc biệt là niềm tin của thế hệ trẻ vào những việc một số người lớn đang làm hôm nay. Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì khi chúng lớn lên và biết rằng bên trong tượng đài mà người lớn làm ra để ngợi ca những chiến tích của thế hệ mình lại là sản phẩm của hành vi tham nhũng?
Người trẻ ngày nay không chỉ nghe mà còn quan sát, còn dõi theo những gì người lớn đang làm. Trẻ con rồi sẽ thành người lớn, một ngày rồi họ sẽ đánh giá lại một cách công tâm những gì người lớn làm hôm nay bằng chính kiến riêng của mình.
NMT
----
Chú thích:
(1). Xem thêm các bài viết
Năm 2007:
http://www.sggp.org.vn/xahoi/2007/7/108315/
http://vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2007/06/711843/
Năm 2009:
http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/10/3BA1477C/.
Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:
Posted by Unknown
on 10:28. Tags
Góc nhìn pháp luật và cuộc sống
.
You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0.
Feel free to leave a response