|

KHI TỔNG THỐNG TỪ CHỨC

Hôm nay (31/05/2010), Tổng thống liên bang Đức Horst Köhler đã tuyên bố từ chức. Đây là lần đầu tiên trong bốn thập kỷ gần đây nhất một Tổng thống của liên bang Đức tuyên bố từ chức (1). Ông Horst Köhler trở thành Tổng thống thứ 9 của Cộng hòa liên bang Đức từ ngày 1/7/2004, và tái đắc cử vào 23/05/2009.


Trước đó, Ông Köhler đã vấp phải sự chỉ trích vì một bài phỏng vấn khi cho rằng "sứ mạng của quân đội Đức đang thực hiện nhiệm vụ ở Afghanistan cũng đồng thời là nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Đức". Trong tuyên bố từ chức ngắn ngủi được phát đi sáng hôm nay ở Berlin, Tổng thống liên bang Đức đã nói: „Tôi xin tuyên bố từ chức Tổng thống liên bang .Tuyên bố này sẽ lập tức có hiệu lực“. Ông cũng giải thích rằng: "Ông rất lấy làm tiếc khi những nhận định của mình đã bị hiểu sai". Chính tuyên bố về sứ mạng của quân đội Đức ở Afghanistan đã làm cho uy tín của ông Horst Köhler bị suy giảm nghiêm trọng.

Về chế định nguyên thủ quốc gia trong Luật cơ bản của Đức, khác với nguyên thủ của các nhà nước theo chính thể cộng hòa Tổng thống (như Hoa Kỳ) hay cộng hòa lưỡng tính (như Pháp, Nga), Tổng thống liên bang Đức (Bundespräsident) không được nhân dân bầu trực tiếp mà được bầu từ Hội nghị liên bang (Bundesversammlung) (2). Hội nghị này là một thiết chế hiến định, được lập ra để tiến hành bầu Tổng thống liên bang và tự giải tán khi bầu cử thành công (3). Nhiệm kỳ của Tổng thống liên bang là 5 năm (4) và mỗi vị Tổng thống được tại vị tối đa hai nhiệm kỳ (5).

Tổng thống liên bang Đức là biểu tượng cho sự thống nhất của liên bang (“Staatspflege”), là đại diện nhà nước trong quan hệ quốc tế (6), có quyền ký phê chuẩn việc bổ nhiệm những nhân vật quan trọng trong bộ máy nhà nước (7), quyền ký quyết định ân xá (Begnadigungsrecht) (8), quyền phê chuẩn các đạo luật liên bang (Ausfertigung von Bundesgesetzen)(9) và quyền giải tán Hạ nghị viện trong những trường hợp đặc biệt (10).

Mặc dù rất hiếm khi xảy ra, nhưng Luật cơ bản của CHLB Đức (23/05/1949) cũng đã dự liệu trước đầy đủ cho trường hợp khi Tổng thống từ chức. Theo Điều 57 Luật cơ bản, chủ tịch Thượng nghị viện Jens Böhrnsen [thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD)] sẽ đảm nhận nhiệm vụ này cho đến khi Tổng thống liên bang mới được bầu trước ngày 30/06/2010.

Vấn đề đọng lại khiến ta suy nghĩ chính là vấn đề chủ quyền nhân dân và văn hóa chính trị. Việc Tổng thống từ chức hay Nghị viện bị giải tán là một điều lạ lẫm với nhiều nước, nhưng thực tế là một việc hết sức bình thường ở nhiều nước dân chủ phát triển. Qua việc Chính phủ bị bất tín nhiệm hoặc Nghị viện bị giải tán chỉ chứng tỏ một điều rằng quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Khi không đủ tín nhiệm nữa, Chính phủ phải bị bất tín nhiệm và Nghị viện phải bị giải tán (11) để lập ra một Chính phủ mới có đủ tín nhiệm hơn. Hay việc từ chức của ông Tổng thống cũng vậy, bên cạnh việc người ta thấy được lòng tự trọng (12), thấy được một hành vi có văn hóa của một chính khách, người ta còn thấy một điều quan trọng hơn rằng một người chỉ xứng đáng với chức danh của họ chừng nào họ có được niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng. Khi không có đủ sự ủng hộ của dân chúng, việc từ chức cũng là việc bình thường. Điều này chính ông Horst Köhler đã thừa nhận trong diễn văn từ chức của mình.

-------------
Chú thích:

(1). Báo Spiegel đưa tin đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Đức (Das hat es in der Geschichte der Bundesrepublik noch nie gegeben) [Nguồn: http://www.spiegel.de/politik/deutschland/0,1518,697781,00.html ] là không chính xác. Trong lịch sử nước Đức, ít nhất có một tổng thống đó là Heinrich Lübke đã từ chức vào năm 1968.
(2). Điều 54 Khoản 1 Câu 1 Luật cơ bản Cộng hòa liên bang Đức [LCB].
(3). Điều 54 khoản 3 LCB.
(4). Điều 54 khoản 2 câu 1 LCB.
(5). Điều 54 khoản 2 câu 2 LCB.
(6). Điều 59 khoản 1 LCB.
(7). Điều 63f. LCB
(8). Điều 60 khoản 2 LCB
(9). Điều 82 khoản 1 câu 1 LCB.Tổng thống liên bang Đức không có quyền phủ quyết một đạo luật (VETO). Không giống như nhiều quốc gia khác, tổng thống Đức không phải là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Vai trò này được trao cho Bộ trưởng quốc phòng.
(10) Hiến pháp Đức qui định hai trường hợp liên quan đến việc giải tán Hạ nghị viện: Trường hợp thứ nhất là khi hạ nghị viện bầu Thủ tướng chỉ đạt đa số tương đối, không đạt đa số tuyệt đối, Tổng thống có thể bổ nhiệm Thủ tướng hoặc giải tán Hạ nghị viện và tiến hành một cuộc bầu cử mới [Điều 63, khoản 4 câu 3 LCB]. Trường hợp thứ hai là khi Chính phủ có thể bị bất tín nhiệm (Vertrauenfrage), theo đề nghị của Thủ tướng, tổng thống có thể giải tán Hạ nghị viện trong vòng 21 ngày [Điều 68 khoản 1 LCB]. Cho đến nay, thẩm quyền này chỉ được áp dụng 3 lần trong lịch sử nước Đức.
Giải tán nghị viện thực chất sẽ trở thành mưu đồ chính trị khi khi Thủ tướng thấy rằng sự ủng hộ cho Đảng của mình đang đi xuống, đến kỳ bầu cử tiếp theo, rất có thể Đảng của thủ tướng sẽ không chiếm được đa số trong Nghị viện. Việc giải tán Nghị viện để kêu gọi bầu cử mới trước khi kết thúc nhiệm kỳ, trong trường hợp này là nhằm mục kéo dài thêm một nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, nhận thức rõ điều này, trong quyết định về việc bỏ phiếu tín nhiệm của Helmut Kohl năm 1983, Tòa án Hiến pháp đã nhấn mạnh rất rõ rằng việc giải thể quốc hội không được phép phục vụ cho việc tạo nên một thời điểm bầu cử tiếp theo đó có lợi cho chính phủ. [Điều này cho thấy vai trò của Tòa án Hiến pháp rất quan trọng. Tòa án Hiến pháp có thể giải thích, bổ khuyết, khắc phục được những khiếm khuyết của Hiến pháp để phù hợp với thực tế muôn mặt của cuộc sống.]
(11). Nhiều giáo trình Luật nhà nước ở Đức giải thích rằng, sở dĩ phải đặt ra việc Chính phủ bất tín nhiệm (Vertrauenfrage) và Nghị viện phải bị giải tán vì đó chính là thước đo để kiểm soát mức độ dân chủ của một nhà nước. Chế định này sẽ khiến cho một chính phủ yếu kém không có cơ sở để tiếp tục tồn tại. Ở Việt nam, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rằng: "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Nguồn: HCM toàn tập, NXB Sự thật, tập 4, trang 283). Rất đáng tiếc là trên thực tế tư tưởng tiến bộ này của Người đến nay chưa hiện thực hóa ít nhất là trong Hiến pháp.
(12). Liên hệ: Có một thực tế là nước ta, thời xưa, cũng đã có rất nhiều nhà Nho treo ấn từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm…Nhưng nay, báo chí nêu nhiều sai phạm của các ngành, các Bộ, nhưng rất hiếm khi thấy ai từ chức???

NMT
(Quelle der Bilder [nguồn ảnh]: http://www.spiegel.de. Trong bài viết, các thuật ngữ/ từ ngữ tiếng nước ngoài được chuyển ngữ sang Tiếng Việt thì thuật ngữ gốc Tiếng nước ngoài được để trong dấu ngoặc đơn.)

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 19:20. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response