LUẬT VỀ ĐẢNG Ở VIỆT NAM - CẦN THÌ RẤT CẦN, NHƯNG VƯỚNG
Gần đây trên báo điện tử Vietnamnet và nhiều báo khác có mở ra diễn đàn xây dựng Luật về Đảng. Trong đó đã có nhiều bài viết, trao đổi của những học giả, nhà khoa học có uy tín về vấn đề này, đặc biệt là các bài viết, trao đổi của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, TS. Nguyễn Đình Lộc.
Dưới góc độ khoa học, cá nhân tôi cho rằng trước khi xây dựng luật này, cần phải bàn luận thêm và giải đáp thỏa đáng 3 câu hỏi:
1. Luật về Đảng được xây dựng trên cơ chế nào?
2. Nội dung chính của đạo luật đó là gì?
3. Nếu mục đích là phân định rõ mọi quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, Chính phủ và Tòa án thì sẽ phân định thế nào?
Thứ nhất, Đảng cộng sản Việt Nam […] là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội (Điều 4 Hiến pháp 1992). Vì thế đương nhiên Quốc hội chịu sự lãnh đạo của Đảng. Theo qui định của Hiến pháp, cơ quan duy nhất có quyền ban hành luật là Quốc hội (Điều 84 Khoản 1 Hiến pháp 1992). Điều mâu thuẫn thấy ngay là cơ quan chịu sự lãnh đạo lại ban hành luật qui định cho tổ chức lãnh đạo mình. Điều này về cơ sở lý luận là mâu thuẫn.
Thứ hai, nếu có đặt ra luật thì người ta cũng có quyền hoài nghi rằng luật đó chỉ là những qui ước không có chế tài và không có cơ chế chịu trách nhiệm của tổ chức Đảng. Chế tài nòng cốt và là hạt nhân quan trọng nhất trong Luật về Đảng thường thấy ở các nước là việc giải tán, hoặc cấm đảng phái vi hiến hoạt động. Điều này là bất khả thi trong thể chế nhất nguyên ở Việt Nam.
Thứ ba, có học giả cho rằng Luật này nếu ra đời có thể phân định được rõ mọi quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, Chính phủ và Tòa án. Vậy xin hỏi luật này sẽ phân định quan hệ giữa Đảng với Quốc hội và Tòa án thế nào khi thực tế có hơn 90% đại biểu Quốc hội là Đảng viên (8,72% đại biểu là người ngoài Đảng)[1] , thẩm phán là Đảng viên? Một người cụ thể sẽ „phân thân“ chức năng thế nào khi vừa là Đảng viên, vừa là Đại biểu Quốc hội hay vừa là Đảng viên vừa là Thẩm phán?
Tóm lại, tôi cho rằng cần phải xem xét nhiều tiêu chí và mở rộng tranh luận kĩ lưỡng về vấn đề này.
Thiết thực hơn và cũng ít tốn kém hơn theo kinh nghiệm thường thấy ở nhiều nước là bước đầu hiện nay ta nên sửa Luật tổ chức Chính phủ và các văn bản khác có liên quan theo hướng:
- Làm rõ sự gắn kết vai trò của Đảng và của Chính phủ trong lập chính sách, làm rõ cơ chế bất tín nhiệm.
- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ hai bộ phận thuộc Chính phủ: đó là bộ phận lập chính sách (Gubernative - bộ phận gắn bó mật thiết vai trò của Đảng với vai trò của Chính phủ, gồm có thủ tướng [nhiều nước là thủ lĩnh Đảng cầm quyền] và các Bộ trưởng) với bộ phận hành chính (Administration - bộ phận thi hành luật).
Làm được điều này sẽ đạt được hai mục đích:
- Vai trò của Đảng trở về đúng với ý nghĩa là tổ chức hoạch định chính sách, tránh được tình trạng can thiệp vào chức năng của Quốc hội hay Tòa án.
- Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Chính phủ cũng vì thế mà trở nên rành mạch, vừa có hiệu lực (do Thủ tướng và các Bộ trưởng tập trung đúng chức năng là lập chính sách), vừa có hiệu quả (do tăng tính chuyên nghiệp trong thi hành luật).
NMT
[1] Nguồn thông tin số lượng, thành phần đại biểu quốc hội khóa XII có thể truy cập tại website của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng quốc hội: http://ttbd.gov.vn/default.aspx?tabid=217
Posted by Unknown
on 08:49. Tags
Góc nhìn pháp luật và cuộc sống
.
You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0.
Feel free to leave a response