|

GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ LUẬT HỌC–PHƯƠNG PHÁP CHỦ ĐẠO TRONG NGHIÊN CỨU LUẬT HỌC Ở CHLB ĐỨC

Friedrich Carl von Savigny (1779-1861)




Từ ngữ ở bất cứ ngôn ngữ nào cũng đa dạng, phức tạp và có nhu cầu phải giải thích. (1) Khác với các ngành khoa học tự nhiên và các ngành khoa học xã hội khác, khoa học pháp lý là khoa học dựa trên nền tảng là các qui phạm hay các thuật ngữ luật học (Normwissenschaft). Ở CHLB Đức, phương pháp nghiên cứu chủ đạo và được sử dụng thường xuyên nhất trong khoa học pháp lý là phương pháp giải thích các qui phạm pháp luật hay các thuật ngữ luật học (Auslegung von Rechtsnormen)

Nhà luật học người Đức Friedrich Carl von Savigny (1779 – 1861) là người đầu tiên xây dựng phương pháp giải thích qui phạm/ thuật ngữ luật học. Mục đích của phương pháp này ban đầu là giải quyết vấn đề đa nghĩa và bất định của từ ngữ trong ngôn ngữ luật học. Theo thời gian, phương pháp này được bổ sung, phát triển trở thành phương pháp phổ biến trong khoa học pháp lý ở Đức. Nhờ áp dụng phương pháp này, các vấn đề pháp lý quan trọng trong một công trình khoa học pháp lý sẽ dần được làm sáng tỏ một cách chặt chẽ và thuyết phục. Vào năm 1960, Tòa án hiến pháp liên bang Đức đã thừa nhận trong phán quyết BVerfGE 11, 126 [130] coi đây là phương pháp giải thích luật học chính thống (BVerfGE 11, 126 [130]).



Nội dung của phương pháp này (2) hiểu một cách đơn giản nhất gồm bốn công cụ giải thích (Auslegungsmittel): giải thích có tính chất ngữ pháp (die grammatische Auslegung), giải thích có tính chất nguồn gốc lịch sử (die historische Auslegung), giải thích có tính chất hệ thống (die systematische Auslegung) giải thích có tính chất mục đích luận (die teleologische Auslegung). 
 
  1. Giải thích có tính chất ngữ pháp (die grammatische Auslegung) là việc giải thích thuật ngữ một cách chính xác về mặt ngôn ngữ cũng như văn phạm nhằm làm rõ nghĩa của từ. Từng từ, từng đoạn trong một qui phạm hay Điều, khoản của văn bản pháp luật có liên quan phải được giải thích, làm rõ theo cả nghĩa phổ thông - nghĩa mà một người dân bình thường khi đặt vào tình huống đó sẽ hiểu (der allgemeine Sprachgebrauch) và cả ngôn ngữ chuyên ngành cụ thể (eine spezielle Fachsprache).
  1. Giải thích có tính chất nguồn gốc lịch sử (die historische Auslegung) là việc giải thích thuật ngữ thông qua cơ sở lập luận của các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà lập pháp (Gesetzgeber) được thể hiện từ khi vấn đề đó phát sinh đến khi trở thành luật. Để giải đáp ý nghĩa của thuật ngữ, trước hết người nghiên cứu phải dựa trên những dữ liệu khoa học trung thực và đặc biệt là các dữ liệu lập pháp (Gesetzgebungsmaterialien).
  1. Giải thích có tính chất hệ thống (die systematische Auslegung) là việc giải thích thuật ngữ pháp lý trong việc xem xét tổng quát mối quan hệ giữa thuật ngữ đó với các thuật ngữ pháp lý khác có liên quan (Normzusammenhang [Kontext]). Việc giải thích này sẽ giúp mỗi một thuật ngữ được xem xét một cách toàn diện trong liên hệ với các thuật ngữ khác và cũng giúp khẳng định được sự nhất quán của thuật ngữ đó nếu nó không mâu thuẫn với những thuật ngữ khác.
  1. Giải thích có tính chất mục đích luận (die teleologische Auslegung): Quan trọng nhất trong thuật ngữ pháp luật không phải chỉ là nội dung mà là ý nghĩa và mục đích (Sinn und Zweck) của thuật ngữ đó. Giải thích có tính mục đích luận là chỉ ra được nội dung của thuật ngữ đó theo ý nghĩa và mục đích của đạo luật. Mục đích và ý nghĩa của đạo luật ở đây không phải là ý muốn nguyên thủy của nhà làm luật, mà là mục đích khách quan được thể hiện ở trong chính đạo luật đó. (3)
Giải thích thuật ngữ pháp luật có những ý nghĩa cơ bản cả về khoa học và thực tiễn như sau:
  • 1. Trước hết là đối với khoa học pháp lý (4), giải thích thuật ngữ sẽ giúp hiểu đúng 4 vấn đề là ngữ nghĩa của từ (Wortsinn), ngữ cảnh (Kontext), nguồn gốc lịch sử của thuật ngữ (Entstehungsgeschichte) và mục đích ý nghĩa của thuật ngữ (Regelungszweck) trong các văn bản luật, trong các quyết định của cơ quan công quyền và cũng có thể là trong các hợp đồng.
  • 2. Giúp tìm ra những khả năng ngữ nghĩa mà một thuật ngữ có thể hàm chứa.
  • 3. Giúp phát hiện, khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các thuật ngữ có thể có, kể cả những lỗ hổng về mặt pháp lý. 
  • 4. Nếu các thuật ngữ được giải thích chuẩn xác sẽ giúp cho việc áp dụng  đúng pháp luật.
Phương pháp giải thích pháp luật mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng không phải là công cụ vạn năng và có khả năng làm rõ được tất cả các thuật ngữ pháp luật đặc biệt là những thuật ngữ có giá trị định tính (Wertausfüllungsbedürftige/ unbestimmte Begriffe), ví dụ: Trật tự hợp hiến (verfassungsmäßige Ordnung) ở Điều 2 khoản 1, Điều 9 khoản 2 Luật cơ bản; vi phạm đạo đức (Sittenwidrigkeit) Điều 2 khoản 1 Luật cơ bản v.v. (5) Đây là vấn đề hiện nay khoa học pháp lý trên thế giới nói chung và ở Đức nói riêng còn bỏ ngỏ và tranh luận chưa có hồi kết.


------------
Chú thích 
 
(1). “Chiếc ô tô đó đã chạy rất nhanh” hoặc “Món ăn này ngon”... – Đó là những câu bạn vẫn thường nghe hoặc nói hàng ngày.


Nhưng vấn đề ở chỗ thế nào là “nhanh” và thế nào là “ngon”? Liệu có một định nghĩa hay chuẩn mực chung thống nhất thế nào là "nhanh" hay "ngon" không? Xin thưa là không. Điều rắc rối lại nằm ngay chính trong sự thiếu rõ ràng ở ngôn ngữ mà tất cả chúng ta vẫn dùng hàng ngày và mặc nhiên thừa nhận đó.


Không những thế, từ ngữ mà chúng ta sử dụng hàng ngày vốn không phải lúc nào cũng đơn nghĩa.


Ví dụ:


- Trong Tiếng Việt, có rất nhiều từ đa nghĩa như “đỏ”, “bạc”, „đi“ v.v... Những từ này ở mỗi ngữ cảnh khác nhau lại được hiểu khác nhau.


- Trong Tiếng nước ngoài cũng vậy, một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau: Từ issue trong Tiếng Anh có nghĩa là vấn đề gây tranh cãi, nhưng đấy không phải là nghĩa duy nhất, nó còn nghĩa là tạp chí được xuất bản định kỳ hoặc nhiều nghĩa khác. Hay paper có nghĩa là giấy, nhưng cũng không phải là nghĩa duy nhất, mà còn có nghĩa khác là bài báo và nhiều nghĩa khác. Hoặc từ Government được hiểu với rất nhiều nghĩa như chính phủ, chính quyền, chính thể, sự cai trị, sự chi phối, sự kiềm chế v.v...Trong Tiếng Đức cũng vậy, ví dụ từ das Recht có nhiều nghĩa như luật, quyền, sự công bằng, lẽ phải v.v...


(2).  Ở Đức, thuật ngữ pháp lý (Rechtsnorm) được định nghĩa là mỗi một qui định chung có hiệu lực bên ngoài (jede abstrakt-generelle Regelung mit Aussenwirkung).   


 Một vài ví dụ:


- Thông qua giải thích thuật ngữ chỗ ở (Wohnung) trong quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 13 Luật cơ bản), mà những câu hỏi như: nhà di động có phải là chỗ ở không? phòng thuê trong khách sạn có phải là chỗ ở không? v.v….sẽ được làm sáng tỏ.


- Hay giải thích thuật ngữ quyền được sống (Recht auf Leben - Điều 2, khoản 2 câu 1 Luật cơ bản) sẽ trả lời được câu hỏi việc nạo phá thai có vi phạm quyền được sống không? quyền được sống có bao gồm cả quyền được chết không? quan niệm về "cái chết nhân đạo" thế nào?


- Cũng như qua giải thích thuật ngữ vợ chồng (Ehe) trong Điều 6 Luật cơ bản của Đức sẽ trả lời được hàng loạt các câu hỏi như sống chung như vợ chồng trước hôn nhân hay những cặp đồng tính luyến ái có được coi là vợ chồng không? Cặp vợ chồng mà không có hoặc chưa có con có được hiểu là một gia đình (Familie) theo nghĩa pháp lý không?


- Cụ thể hơn cùng một Điều 34 Luật cơ bản ở Đức liên quan đến thuật ngữ trách nhiệm nhà nước trong việc vi phạm nghĩa vụ của công chức (Staatshaftung bei Amtspflichtverletzung). Việc giải thích thuật ngữ qua 4 công cụ nêu trên sẽ được tiến hành như sau:


+ Giải thích có tính chất ngữ pháp (die grammatische Auslegung): Thuật ngữ trách nhiệm nhà nước (Staatshaftung) từ Điều 34 của Luật cơ bản ở Đức được nêu và hiểu như thế nào? Các từ ngữ trong đó như “jemand” (bất cứ ai), “Amtspflichtverletzung” (vi phạm nghĩa vụ công), Verantwortlichkeit (trách nhiệm), Staat (nhà nước) v.v…được hiểu và giải thích ra sao?


+ Giải thích có tính chất nguồn gốc lịch sử (die historische Auslegung): Khi xây dựng Điều luật này những nhà lập hiến đã tranh luận và giải thích như thế nào? Điều 34 Luật cơ bản đã phát triển ra sao so với Điều 131 Hiến pháp Cộng hòa Weimar (Weimarer Reichsverfassung)?


+ Giải thích có tính chất hệ thống (die systematische Auslegung): Điều 34 Luật cơ bản đó liên quan thế nào với các Điều luật khác trong Luật cơ bản? Đặc biệt có liên quan thế nào với Điều 839 Bộ luật dân sự hiện hành về trách nhiệm khi vi phạm nghĩa vụ công chức?


+ Giải thích có tính chất mục đích luận (die teleologische Auslegung): Ý nghĩa và mục đích của Điều 34 trong Luật cơ bản là gì?


(3). Liên quan đến vấn đề giải thích có tính mục đích luận, nhà triết học pháp luật Đức Gustav Radbruch (1878 - 1949) - người được đánh giá là một trong những nhà triết học pháp luật có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 đã đưa ra một khẳng định nổi tiếng: Một đạo luật có thể khôn ngoan hơn cả nhà làm luật (Das Gesetz kann klüger sein als der Gesetzgeber) (BVerfGE 36, 342 [362]).


(4). Phần giải thích thuật ngữ pháp lý luôn là bộ phận trung tâm và có ý nghĩa quan trọng của một công trình khoa học. Trong giáo trình đại học và các sách tham khảo luật ở Đức, nhiều thuật ngữ pháp lý chuyên ngành được giải thích theo phương pháp trên một cách trực tiếp qua 4 công cụ giải thích hoặc chỉ ra những kết quả từ cách giải thích này. Một công trình khoa học sinh viên cũng vậy, thay vì việc phải thừa nhận một định nghĩa X nào đó đã có sẵn, sinh viên phải tự nghiên cứu và tự giải thích thuật ngữ theo phương pháp nêu trên một cách toàn diện và đưa ra kết luận theo cách hiểu của mình.


(5). Về nội dung, các ví dụ của phương pháp này được nghiên cứu và tổng hợp từ các tài liệu tham khảo như: Ch. Gröpl, Staatsrecht I mit Einführung in das juristische Lernen, 2. Aufl. 2010; Sodan/Ziekow, Grundkurs Öffentliches Recht, 4. Aufl. 2010; R. Zippelius, Juristische Methodlehre, 10. Aufl. 2006; R. Wank, Die Auslegung von Gesetzen, eine Einführung, 3. Aufl. 2005; K. Engisch, Einführung in das juristische Denken, 9. Aufl., 1997; Schwacke, Juristische Methodik, 3. Aufl., 1995.


NMT


(Ghi chú: Trong bài viết, tác giả có sử dụng từ ngữ Tiếng nước ngoài. Khi chuyển ngữ sang Tiếng Việt, với những từ ngữ quan trọng, để đảm bảo tính chính xác, một số từ Tiếng nước ngoài được để trong dấu ngoặc đơn).

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 10:39. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response