Những vướng mắc về xác định tài sản chung của vợ, chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 còn có nhiều điểm chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau trong vấn đề liên quan đến tài sản tranh chấp của vợ, chồng...Đâu là tài sản chung?
Thứ nhất, luật quy định “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra… trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ, chồng được thừa kế chung hoặc cho chung và những tài sản khác mà vợ, chồng có thỏa thuận là tài sản chung”. Theo quy định trên, nếu tài sản được đưa vào sử dụng chung nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản thì có cho là “đã thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung” được không?
Có hai quan điểm về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất: Tài sản mà vợ chồng đang quản lý, sử dụng chung (có trước hoặc sau thời kỳ hôn nhân) mặc dù do một người đứng tên nhưng không có văn bản thỏa thuận là tài sản riêng thì đó vẫn là tài sản chung; tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhưng đã đưa vào khai thác, sử dụng chung là tài sản chung.
Quan điểm thứ hai: Tài sản riêng có trước khi kết hôn hoặc tài sản được thừa kế riêng, được cho riêng (do một người đứng tên) mặc dù được đưa vào khai thác, sử dụng chung nhưng không có văn bản thỏa thuận đưa vào tài sản chung thì vẫn là tài sản riêng.
Nếu nghiên cứu kỹ chế định về tài sản của vợ, chồng trong các quy định của pháp luật thì quan điểm hai có phần hợp lý hơn. Mặc dù khi kết hôn không ai làm văn bản thỏa thuận tài sản nào là chung, tài sản nào là riêng nhưng luật pháp đã quy định quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu rõ ràng đó là tài sản riêng thì khi ly hôn, tòa phải tuyên chấp nhận mặc dù có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của một số người.
Cha mẹ cho đất, tính sao?
Một quy định khác là tranh chấp tài sản của vợ chồng liên quan đến người thứ ba. Do đặc điểm văn hóa và do phong tục, tập quán của nhiều địa phương, cha mẹ cho mượn, tặng hoặc cho con một phần đất để cất nhà ở khi người con lập gia thường chỉ thực hiện bằng lời nói hoặc hành vi. Khi vợ chồng người con ly hôn và tranh chấp tài sản thì việc xác định quyền sử dụng đất của người nào rất khó khăn.
Vì là những loại việc có tính phổ biến, để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ (số đông), TAND Tối cao có tổng kết và hướng dẫn tại Công văn số 16 năm 1999 như sau: “Trường hợp vợ, chồng sau khi kết hôn cất nhà ở trên đất của cha mẹ bên vợ (hoặc chồng) nhưng không có giấy tờ gì thể hiện là được cho tặng quyền sử dụng đất đó; khi ly hôn, cha mẹ bên vợ (hoặc chồng) nói là chỉ cho mượn đất nhưng nếu phần đất cất nhà ở riêng biệt với đất cha mẹ đang sinh sống hoặc trên cùng thửa đất nhưng đã có ranh giới, khuôn viên rõ ràng. Vợ chồng cất nhà sinh sống, ổn định, lâu dài, xây dựng các công trình trên đất cha mẹ biết nhưng không phản đối… thì tòa xác định quyền sử dụng đất gắn liền nhà hoặc quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng và chia theo quy định nhưng có xét đến công sức đóng góp của mỗi bên...”.
Nhiều ý kiến cho rằng hướng dẫn này nay không còn phù hợp. Bởi lẽ Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã có các điều luật mang tính nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Thứ nữa, tập quán chỉ được áp dụng khi luật chưa quy định hoặc không trái với quy định của pháp luật. Ở đây, nếu áp dụng tập quán để xác định cha mẹ đã cho tặng con quyền sử dụng đất là trái với quy định tại các điều 122, 124, 467 BLDS. Do đó, nếu vợ, chồng không có giấy tờ tặng cho tài sản, không được cha mẹ thừa nhận là đã tặng cho mà việc chiếm hữu tài sản chưa được 30 năm thì tài sản đó vẫn thuộc quyền của cha mẹ...
Do vậy, TAND Tối cao nên có nghị quyết hướng dẫn về vấn đề này. Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:
Posted by Unknown
on 01:08. Tags
Hôn nhân Gia đình
.
You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0.
Feel free to leave a response