|

PHỤ NỮ HÀ NỘI: TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH TÂN TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX


Tác giả: Đặng Thị VânChi
Nguồn: Blog của tác giả Đặng Thị Vân Chi

Mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ dờikinh đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Từđó Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế- chính trị và văn hóa của cả nước.Lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội cho thấy những nét đặc trưng củakinh đô - đô thị Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung.
Đến đầu thế kỷ XX, dưới tác độngcủa chương trình khai thác thuộc địa của Pháp, Hà Nội từ một thành thị phongkiến trung đại ngày càng mang dáng dấp một đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế,chính trị và văn hóa, là “thủ đô của Bắc Kỳ” và đặc biệt, với việc đặt Phủ Toànquyền ở Hà Nội, Hà Nội đã thực sự trở thành “Thủ đô của Liên bang Đông Dương”.
Vì vậy, người Hà Nội, phụ nữ Hà Nội không chỉ mang đầy đủ nhữngđặc tính cơ bản của người Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêngmà còn thể hiện rõ những dấu ấn lịch sử, văn hóa do vị thế trung tâm văn hóa,chính trị của Thăng Long - Hà Nội mang lại, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếpmọi biến động của thời cuộc. Bài viết này của chúng tôi muốn đi vào tìmhiểu quá trình đi từ truyền thống đến cách tân của phụ nữ Hà Nội trong nhữngnăm nửa đầu thế kỷ XX.

1. Hình ảnh người phụ nữ Thăng Long - Hà Nội truyền thống

1.1. Những ảnh hưởng của Nho giáotrong bối cảnh Thăng Long - Hà Nội là kinh đô của các triều đại phong kiến.

Nho giáo là một học thuyết chínhtrị xuất hiện ở Trung Quốc từ thời Xuân Thu (722-481TCN) và được du nhập vào ViệtNam dưới thời Bắc thuộc từ thế kỷ I đến thế kỷ X. Những quy định về đạo đứctheo quan điểm Nho giáo đối với phụ nữ cũng được truyền bá vào Việt Nam cùngvới vị thế ngày càng được củng cố và đề cao của nhà nước phong kiến đối với Nhogiáo. Các triều đại phong kiến, đặc biệt từ triều Lê thế kỷ XV, trong khi xâydựng một thể chế quân chủ Nho giáo đã cụ thể hóa những quy định của Nho giáothành những điều luật[1] nhằmcủng cố gia đình, tông tộc, xóm thôn theo giáo lý đạo Nho với lễ, nghĩa, hiếu,trung, “tam tòng”, “tứ đức”…

Những quy định về chuẩn mực đạo đức của người phụnữ theo tinh thần Nho giáo còn được các trí thức phong kiến thể hiện trong GiaHuấn Ca,[2]trong hương ước các làng xã.[3]Những bản hương ước này không chỉ quy định chặt chẽ những vấn đề liên quan tớicuộc sống của cộng đồng làng xã mà còn quy định về cách ứng xử của người phụ nữtrong gia đình và ngoài xã hội. Hương ước cũng quy định phụ nữ không được thamgia vào các hoạt động chung của cộng đồng làng xã, không được vào giáp, vào họ…Trong những sinh hoạt tại đình làng, phụ nữ chỉ là những người đứng bên ngoài…

Như vậy, theo những quy định củaNho giáo thì một người phụ nữ mẫu mực phải là người chịu sống phụ thuộc vào mộtngười đàn ông là cha, chồng và con trai trong suốt cuộc đời họ. Họ không có tưcách riêng của mình, cũng như không bao giờ được khuyến khích thể hiện năng lựccá nhân, không được tham gia vào các sinh hoạt chính trị có liên quan tới cuộcsống của họ. 
(Ảnh một nhóm thiếu nữ Hà nội đầu thế kỷ XX)
Tuy nhiên, trong khi Việt Namđược các nhà nghiên cứu xếp vào khu vực các nước chịu ảnh hưởng Nho giáo, thìxu thế chung hiện nay ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao vị trí củangười phụ nữ trong gia đình và xã hội nhờ những đóng góp to lớn của họ tronglịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc[4].Ảnh hưởng của Nho giáo đối với phụ nữ chủ yếu ở các tầng lớp trên, trong giớiquan lại và Nho sĩ. Thăng Long - Hà Nội với vị trí là kinh đô của nhiều triềuđại phong kiến, là trung tâm văn hóa, nơi đào tạo và tổ chức các kì thi Nhogiáo trong nhiều thế kỷ, trở thành nơi tập trung đông đảo giới quan liêu và Nhosĩ nhất trong cả nước. Do đó, phụ nữ trong các gia đình quan lại, nho sĩ, mộtbộ phận dân cư quan trọng của Thăng Long – Hà Nội cũng chính là những ngườichịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam truyền thống.

1.2. Ảnh hưởng của những điều kiệntự nhiên và xã hội cũng như vai trò trung tâm kinh tế của Thăng Long- HàNội

Do những điều kiện tự nhiên và xãhội đặc biệt, mà người phụ nữ Việt Nam trở thành những người có vai trò chínhtrong hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa. Có thể nói phụ nữ Việt Nam lànhững người làm nên bộ mặt của kinh tế hàng hóa Việt Nam. Điều này không chỉphản ánh trong ca dao tục ngữ cổ Việt Nam[5] màcòn được các giáo sĩ, nhà buôn người nước ngoài đến Việt Nam trong các thế kỷ17-18 ghi nhận[6]. Nghiêncứu của Nguyễn Quang Ngọc “Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc bộ thế kỷ 17-18”[7] vàcủa Nguyễn Thừa Hỷ “Thăng Long –Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII- XIX”[8] đãcho thấy vai trò của phụ nữ trong sản xuất hàng hóa và các hoạt động buôn bán ởcác làng quê cũng như vai trò của họ trong việc tạo nên diện mạo khu vực thịcủa Thăng Long Hà Nội.
(Ảnh: Những người phụ nữ là những người làm nên bộ mặt của kinh tế hàng hóa VN)
Theo Nguyễn Quang Ngọc, phụ nữ lànhững người có vai trò chính trong mạng lưới các chợ làng ở nông thôn. Họ sảnxuất hàng hóa và trực tiếp bán sản phẩm của mình tại các chợ làng, hoặc mangsản phẩm đến những vùng xa xôi hơn. Nhiều người thợ thủ công kiêm tiểu thươngsau khi có được số vốn lớn đã mở cửa hàng ở các đô thị. Khi đã làm ăn phát đạtở Thăng Long, họ đưa gia đình và người làng lên lập nghiệp ở đây, đôi khi họ ởthành cả một phố[9]. NguyễnThừa Hỷ cho biết, hầu hết thương nhân và thợ thủ công ở Thăng Long là nhữngngười dân ở các làng ven Thăng Long[10].
(Ảnh chụp các cửa hàng ở Hà nội, đầu thế kỷ XX)
Những người thợ thủ công này vừalàm nghề vừa trực tiếp bán sản phẩm. Những cửa hàng ở Thăng Long thường cũng lànhững cửa hàng bán những sản phẩm do chính họ sản xuất. Andre’ Masson trongcuốn “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” đã mô tả quang cảnh Hà Nội trong những ngàyphiên chợ: “Cứ sáu ngày lại có một phiên chợ Hà Nội. Lái buôn và thợ thủ côngđủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán tơ lụa tới phốHàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm mũ tớiphố hàng Mũ, tóm lại thì thợ gì tới phố dành cho thợ ấy. Thành phố biến thànhcái chợ mênh mông…”[11].

(Ảnh chụp một giờ học thể dục của một trường nữ sinh)
William Dampier trong “Một chuyếndu hành đến Đàng Ngoài năm 1688” cũng cho biết sự giỏi giang khéo léo của phụnữ trong buôn bán đã được các thương nhân ngoại quốc lợi dụng để kiếm lời: “Nhiều thương nhân ngoại quốc đã kiếm đượcbộn tiền bằng cách giao cho những bà vợ Đàng Ngoài tiền và hàng hóa…Họ mua tơsống vào mùa nhàn rỗi trong năm và thuê đám thợ nghèo làm trong lúc nông nhàn.Theo cách này mà họ có được những thứ vải dệt tốt hơn trong khi chi phí lạithấp hơn nhiều so với thời điểm tầu cập bến…Bằng cách làm như vậy, họ có đượchàng hóa sẵn sàng trước khi tàu tới và trước khi mùa đặt hàng bắt đầu…[12].

William Dampier cũng đánh giá caokhả năng buôn bán của người phụ nữ Thăng Long- Hà Nội trong nghề đổi tiền: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Làmnghề này là phụ nữ- những người khéo léo và khôn ngoan đặc biệt về nghề này. Họthực hiện công việc về đêm và biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổphần tinh khôn nhất ở Luân đôn[13],những cô bán hàng trong các “cửa hàng tơlụa ở phố Hàng Đào, lộng lẫy rực rỡ như chốn hang động của Alibaba”.

Như vậy người phụ nữ Thăng Long –Hà Nội cũng là những người lao động cần cù, năng động, giỏi kinh doanh và thựcsự là người nắm giữ tài sản, tiền bạc trong gia đình. Đây sẽ là cơ sở tạo nênsự tự chủ của phụ nữ Hà Nội trong các phong trào dân chủ và yêu nước trong thờikỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

1.3. Những tác động do vị thế trung tâm văn hóa của Thăng Long-Hà Nội

Trong nhiều thế kỷ, Thăng Long đãlà một trung tâm văn hóa, nơi tổ chức những kỳ thi Hội, thi Đình. Ở Thăng Longcòn có trường Quốc Tử Giám (sau là trường Thái học) do nhà nước tổ chức, theochế độ lưu trú, và nhiều các trường, lớp tư nhân của các vị đại khoa. Tư liệulịch sử cho biết mỗi đợt thi có từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn sĩ tử từ mọiđịa phương trong nước tập trung về Thăng Long. Những thí sinh này sau khi đỗ sẽgia nhập đẳng cấp quan liêu, nhiều người qua hôn nhân đã trở thành thành viêncủa các gia đình buôn bán giàu có tại kinh đô. Chính điều này đã tạo nên nềntảng trí thức cho phụ nữ Thăng Long-Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội cũng được coilà kinh đô của văn học - nghệ thuật, nơi hội tụ và giao lưu của giới nghệ sĩ, tàitử giai nhân, những gương mặt văn hoá lớn như: Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, PhạmĐình Hổ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…

Với tư cách là một trung tâmchính trị, kinh tế, Thăng Long-Hà Nội còn là nơi giao lưu, hội tụ, kết tinh,lan toả các đặc trưng văn hoá, nơi thu hút các nhân vật, gương mặt văn hoá củacác địa phương trong cả nước. Vì vậy, ở phụ nữ Thăng Long còn có sự tập trung,pha trộn nhiều tính cách đặc trưng của các vùng- miền: Sự hào hoa thanh lịchvốn có của Kinh Kỳ, phẩm chất cần cù chịu đựng gian khổ của miền Trung, cũngnhư nét phóng khoáng nghĩa hiệp của miền Nam… Ngoài ra, với vị thế là kinh đô,trung tâm chính trị-kinh tế, người Thăng Long-Hà Nội còn sớm có quan hệ giaolưu với người nước ngoài, tiếp nhận và tiếp biến các giá trị văn hóa của các nềnvăn minh khác trên thế giới[14].

Sự có mặt của những người nướcngoài đến cư trú, sinh sống ở Thăng Long - Hà Nội và những quan hệ, tiếp xúccủa họ với người dân đô thị bản địa đã có những ảnh hưởng nhất định đến sinhhoạt, lối sống, tâm lý của một bộ phận cư dân. Người Thăng Long trở nên năngđộng, cởi mở trong các quan hệ xã hội. Ở giữa khu vực trung tâm, nơi giao lưuhội tụ các đặc trưng văn hóa vùng miền trong nước cũng như quốc tế, phụ nữThăng Long-Hà Nội trở thành sứ giả bắc cầu nối giao lưu, tiếp nhận và tiếp biếncác giá trị văn hoá mới trong mọi mặt đời sống như trang phục, tập quán sinhhoạt, lễ hội, ẩm thực...làm phong phú thêm nền văn hoá và tính cách của conngười Thăng Long-Hà Nội...

2. Hình ảnh người phụ nữ Hà Nội mới trong bối cảnh tiếp xúc văn hóaĐông Tây nửa đầu thế kỷ XX.

Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam trởthành thuộc địa của Pháp. Từ năm 1897 Pháp bắt đầu thực hiện chương trình khaithác thuộc địa ở Việt Nam. Cũng trong thời kỳ này Hà Nội dần dần chuyển mình từcơ sở hạ tầng[15] cho đếncác hoạt động kinh tế,[16]văn hóa[17]...từ kết cấu dân cư cho tới những biến chuyển về mặt tư tưởng… để trở thành mộtđô thị hiện đại. Về mặt cư dân, bên cạnh tầng lớp quan lại phong kiến, Hà Nộicòn có các công chức làm việc cho chính quyền thuộc địa, các chủ doanh nghiệp,nhà thầu khoán, chủ hiệu buôn, học sinh, sinh viên, công nhân và thợ thủ công…Sự chuyển biến của bộ mặt thành thị cùng với các sách Tân Thư đã làm thay đổinhãn quan chính trị của tầng lớp trí thức đô thị. Qua “Tân thư”, những tư tưởngdân chủ tư sản của Rousseau, Voltaire, Montesquieu, Khang Hữu Vi và Lương KhảiSiêu… đã làm dấy lên phong trào đòi Duy Tân, cải cách đầu thế kỷ XX. Cùng vớinhững tư tưởng dân chủ tư sản, tư tưởng về nữ quyền cũng được truyền bá vàoViệt Nam và làm đảo lộn nhận thức về vai trò và địa vị của người phụ nữ trongxã hội, ý thức về giá trị cá nhân, về quyền con người: quyền học tập, quyền mưucầu hạnh phúc và khẳng định năng lực bản thân và quan trọng hơn là quyền đượctự định đoạt vận mệnh mình. Tất cả những tư tưởng mới mẻ này hoàn toàn mâuthuẫn với những chuẩn mực đạo đức được giai cấp phong kiến duy trì và bảo vệ,nhưng với truyền thống đảm đang tháo vát và khả năng nhạy bén được cọ sát trongmột môi trường văn hóa đa dạng, phụ nữ Hà Nội đã có sự chuyển biến không chỉtrong nhận thức mà trong cả hành động thực tế.

2.1. Nắm lấy cơ hội giáo dục,tham gia lĩnh vực truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về vai trò và địa vị củaphụ nữ trong gia đình và xã hội, bày tỏ nguyện vọng của giới mình

Nho giáo quan niệm “phụ nhân nan hóa”/ (phụ nữ khó dạy) vàhệ thống quyền lực theo mô hình quân chủ Nho giáo quan liêu chỉ chấp nhận đànông nên mặc dù trong lịch sử Việt Nam đã từng có Nguyên phi Ỷ Lan giỏi giangthông thái thay Vua trị nước, có Nguyễn Thị Lộ, Ngô Chi Lan thông minh, hay chữđược tuyển vào cung vua để dạy cho các hoàng tử và công chúa, có Nguyễn ThịDuệ, người phụ nữ giả nam giới đi thi và đậu tiến sĩ dưới triều Mạc, có ĐoànThị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh… đã để lại cho đờisau nhiều tác phẩm văn học, những áng thơ văn bất hủ…thì hầu hết phụ nữ ViệtNam vẫn không được đến trường học tập. Họ không được đi thi và vì vậy cũngkhông được tham dự vào bộ máy quyền lực ở bất kỳ cấp nào.
(Ảnh chụp một trường Tiểu học ở Nam Định năm 1908)
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ XX, doảnh hưởng của những tư tưởng dân chủ, giới trí thức tiến bộ của Việt Nam đã đềnghị chính quyền thuộc địa mở trường học cho phụ nữ vì “nữ giới sẽ là những bổtrợ tuyệt vời trong việc giáo dục trẻ thơ”, “dạy học sẽ nâng cao tinh thần vàvà trình độ đạo đức cho nữ giới, tăng sự đánh giá và tôn trọng cần thiết đốivới họ[18].Một loạt các trường tiểu học được mở tại các làng xã và nhiều trường bắt đầunhận nữ sinh.
Tại Hà Nội, trong bối cảnh củaphong trào Duy Tân do các sĩ phu phong kiến tư sản hóa phát động, nhằm “khaidân trí, chấn dân khí”, các trường Nghĩa thục[19] được thành lập vào năm 1907, tiêu biểu nhất là trường Đông Kinh Nghĩa Thục.Đăng cổ tùng báo đã cho biết, trường không hạn chế việc thu nhận nữ sinh, và cónhiều phụ nữ Hà Nội tham dự các buổi học, các buổi bình văn, thậm chí tham giagiảng dạy tại trường.[20]
Năm 1908, trường Brieu (TrườngHàng Cót) là trường nữ học đầu tiên ở Bắc Kỳ, cũng là trường nữ học đầu tiêntrên toàn Đông Dương dạy theo chương trình Pháp-Việt khai giảng ngày 6/1. Theosố liệu thống kê của Nha học chính Bắc kỳ, số học sinh ban đầu của trường nàylà 178 người[21],năm 1922-1923, số nữ sinh của trường trung học Hà Nội là 129 người chưa kể sốhọc sinh nữ học tại các trường tư và trong các trường học chung cả nam lẫn nữ.Năm 1931-1932, số học sinh nữ ở Bắc Kỳ là 8.218 người, đến năm 1941-1942, tổngsố nữ sinh ở Bắc kỳ là 24.658 người… Trong các trường dạy nghề, trường cao đẳngvà đại học, số nữ sinh cũng ngày càng tăng. …Tiêu biểu trong số nữ sinh Hà Nộiphải nhắc đến Hoàng Thị Nga, là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam giành học vịTiến sĩ Khoa học (Docteures es scienes) của Pháp.
(Giờ Hóa học của một trường nữ sinh)
Nhiều nữ sinh theo học ngành sưphạm, hộ sinh. Cho đến năm 1941-1942, tổng số nữ giáo viên toàn Đông Dương là883 người, trong số đó có 147 nữ giáo viên ở Bắc Kỳ.[22] Mặcdù nữ sinh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với dân số, thậm chí ngay cả so với số ngườiđược đi học (năm1920, chiếm khoảng 7%, năm 1941-1942 khoảng 10%[23]tổng số học sinh) nhưng cũng đã có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của xãhội.

Với tư cách là “người thày đầutiên” của trẻ em, việc nữ giới được học tập, có tri thức góp phần quan trọngvào việc giáo dục thế hệ trẻ, tạo cơ sở cho những thay đổi căn bản về văn hóa,xã hội trong tương lai. Quan trọng hơn, đội ngũ nữ trí thức này qua báo chí đãcó đóng góp quan trọng trong việc truyền bá những tư tưởng mới, nhằm thay đổinhận thức không chỉ của nữ giới mà của cả xã hội về vai trò và địa vị của phụnữ trong xã hội. Họ tham gia làm báo trước hết là để tạo cơ hội cho phụ nữ bàytỏ nguyện vọng của mình.[24]Các tờ báo phụ nữ đều ghi rõ tôn chỉ là : “Viết cho phụ nữ đọc và do phụ nữviêt” ( Báo Việt nữ), “Là cơ quan hành động và hành động theo một chủ nghĩatân tiến có lợi ích trực tiếp cho chị em chúng ta” (Báo Phụ nữ)…Họ cũng đãnhanh chóng nhận thấy báo chí là một lợi khí để đấu tranh. Họ viết báo,[25] thảoluận về các vấn đề phụ nữ[26]trên các tờ báo phụ nữ và các trang phụ nữ trên các tờ nhật báo khác. Có thểnói việc nhận thức đúng đắn về vai trò và địa vị của phụ nữ trong gia đình vàxã hội là một cuộc cách mạng về tư tưởng, là nền tảng cơ bản để phụ nữ ý thứcvề quyền của mình trong xã hội. Đây chính là một sự cách tân- một bước tiến lớncủa phụ nữ Hà Nội nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung - từ chỗ chưa bao giờcó tiếng nói trong đời sống cộng đồng, nay qua báo chí, họ đã có thể bày tỏ khátvọng của mình cũng như khẳng định quyền được giáo dục, được làm việc, được sốnghạnh phúc và tự quyết định vận mệnh mình với tư cách một con người bình đẳngvới nam giới và đấu tranh để thực hiện những quyền đó.

2.2. Đấu tranh giải phóng phụ nữ: Khẳng định quyền tự do cá nhân, quyềnđược thể hiện năng lực bản thân

Quan niệm đạo đức Nho giáo đòihỏi phụ nữ sống phụ thuộc vào nam giới theo đạo “tam tòng” và trau dồi “tứđức”: công, dung, ngôn, hạnh. Mức độ vừa phải “phụ đức không cần phải có tàinăng gì khác người”, “phụ ngôn thì không cần mồm mép lanh lợi”, “phụ dung thìkhông cần nhan sắc xinh đẹp”, “phụ công thì không cần khéo léo hơn người”[27]rõ ràng nhất quán với chủ trương giữ người phụ nữ trong gia đình làm người nộitrợ của Nho giáo, bất chấp vai trò quan trọng của họ trong nền sản xuất xã hộivà kinh tế gia đình. Đến đầu thế kỷ XX, chương trình giáo dục lấy tiếng Pháp làngôn ngữ sử dụng chính trong nhà trường và số nữ simh biết tiếng Pháp ngày càngtăng là cơ sở để người phụ nữ Hà Nội tiếp cận với văn hóa và văn minh phươngTây. Bên cạnh đó cũng phải kể đến vai trò của báo chí, nhất là những tờ báo nhưbáo Nam phong, Đông Dương tạp chí… luôn giới thiệu các học thuyết chính trị,các hệ tư tưởng dân chủ tư sản, kể cả chủ nghĩa nữ quyền, phong trào phụ nữtrên thế giới. Đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tư tưởng nữquyền qua sách báo đã được du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được phụ nữ ViệtNam tiếp nhận.

Những nội dung cơ bản của chủnghĩa nữ quyền phương Tây thời kỳ này như: đấu tranh đòi quyền được giáo dục,quyền được làm việc và quyền chính trị, xét trên thực tiễn Việt Nam đã gây ranhiều cuộc tranh luận. Quyền được học tập là vấn đề giành được sự ủng hộ củahầu hết mọi người, nhưng quyền làm việc và có nghề nghiệp đã vấp phải một sựthật là phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay đều tham gia vào mọi lĩnh vực sản xuấtvà lưu thông hàng hóa, do đó vấn đề mới đặt ra đối với phụ nữ trong bối cảnhcủa nền kinh tế thuộc địa là đấu tranh để khẳng định giá trị lao động của phụnữ và những đóng góp của họ phải được công nhận.

Phụ nữ Hà Nội đã đấu tranh để đòiđược hưởng lương ngang bằng nam giới khi đảm nhiệm cùng công việc, phụ nữ phảiđược tuyển dụng vào các công sở làm việc theo đúng nghề được đào tạo như namgiới, được bảo hộ khi thai sản và ngày làm 8 tiếng. Trong phong trào Đông DươngĐại hội những năm 1936-1939, phụ nữ Hà Nội đã kết thành một đoàn thể riêng thamgia vào các cuộc mit tinh tuần hành chung của nhân dân thành phố với những yêucầu riêng của mình.

Sự xuất hiện các cô “gái mới”trong thời kỳ này không chỉ là biểu hiện của ảnh hưởng văn hóa và lối sốngphương Tây mà còn là sự thách thức những giá trị cũ, khẳng định nhu cầu đượcthể hiện giá trị cá nhân. Hình ảnh một cô gái tân thời ở Hà Nội được báo Phụ nữthời đàm mô tả là “ăn mặc và trang sức theo kiểu mới. Quần trắng áo màu, giàycao gót…để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch… nói chuyện với đàn ông bằng tiếngPháp, thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình, trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ…”Tuy nhiên bài báo cũng nhấn mạnh “gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởngmới, giỏi ra nữa phải có cách sinh hoạt mới: như thế mới là “tân” (Phụ nữ thủ đô ngày 29/10/1933).
Ăn mặc đẹp, thời trang cũng làmột cách thể hiện mình- một sự cách tân. Phụ nữ Hà Nội đã mạnh dạn lên tiếngbảo vệ nhu cầu làm đẹp chính đáng của mình trước những lời dị nghị “Chúng emđuổi cái đuôi gà để rẽ lệch tóc, thay bộ răng ngà trắng muốt vào chỗ bộ răngđen ngòm, mượn cây son môi để làm việc của miếng trầu toe toét kia… chúng em ưachiếc quần lụa bạch êm mát hơn cái quần sồi dày cồm cộp, trên đó người ta khôngphân biệt được những giống bẩn thỉu gì, nhưng các cụ bảo sạch vì nó đen…” ( BáoPhong hóa).

Bộ mặt phố phường Hà Nội cũng cónhiều thay đổi với những cô gái hoặc duyên dáng trong chiếc áo dài tân thờinhiều màu sắc, sự kết hợp tuyệt vời giữa y phục truyền thống với phong cáchthời trang Paris,[28]tôn vẻ mềm mại quyến rũ của người phụ nữ, hoặc khoẻ mạnh trong bộ quần sooctrắng đạp xe đạp trên đường phố… Phụ nữ Hà Nội cũng không còn tuân theo đòi hỏikhắt khe của Nho giáo “nam nữ thụ thụ bất thân” mà đã dám sánh vai cùng bạntrai tới các rạp chiếu phim, rạp hát, các sàn khiêu vũ, các sân tập thể thao…

Người phụ nữ Hà Nội mới cũng hănghái tham gia tập thể thao. Họ viết báo, tuyên truyền, khích lệ phụ nữ chơitennit, đi bơi, thậm chí đi bộ đường dài[29]…Phong trào tập thể thao của phụ nữ Hà Nội thời kỳ này một mặt là biểu hiện củaảnh hưởng văn hóa Phương Tây, quan niệm về cái đẹp gắn với sự khỏe mạnh, phùhợp vớí một xã hội công nghiệp hiện đại, mặt khác còn thể hiện nhu cầu hòa nhậpcộng đồng, hoạt động tập thể, nhu cầu giao lưu và tinh thần vượt qua thử tháchcủa phụ nữ.

Đổi mới về mặt tư tưởng đồngnghĩa với việc đấu tranh cho quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, kết hôn vì tìnhyêu, chống lại tập tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhiều cô gái đã dùng cáichết của mình để gửi thông điệp đến cha mẹ và xã hội phản đối chế độ đại giađình và hôn nhân theo sắp đặt vốn được duy trì từ lâu trong xã hội.[30]Các cô gái Hà Nội trong các cuốn tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn như Mai (trongNửa chừng xuân của Khái Hưng), như Loan (trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh) … đãđấu tranh để bảo vệ danh dự và giá trị của bản thân cũng như đấu tranh cho hạnhphúc của mình.

Cùng với sự phát triển của đô thịvà ảnh hưởng của phương Tây, một bộ môn nghệ thuật mới xuất hiện trong đời sốngvăn hóa người Hà Nội đó là nghệ thuật kịch. Wynn Wilcox trong “Phụ nữ, sựPhương Tây hóa và các nguồn gốc của kịch nghệ Việt Nam hiện đại”[31] đãcho rằng “Kịch nói hiện đại xuất hiện tại Việt Nam trong khung cảnh đảo lộn tríthức và xã hội của các thập niên 1920-1930. Các vở kịch trong thời kỳ này hướngtiêu điểm vào vị thế của phụ nữ, các hiệu ứng của sự Tây Phương hóa và sự xuấthiện của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam”.

Cuộc thảo luận trên báo chí trướcnăm 1945 cho thấy kịch nói đã nhanh chóng được nhìn nhận như một phương tiện cóhiệu quả để giáo dục và hoàn thiện nhân cách, nâng cao dân trí và quan trọnghơn là có thể góp phần giải quyết vấn đề phụ nữ- đang là một vấn đề nóng bỏngthu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Năm 1927, các cô gái được cho là con nhàgia giáo, có nề nếp của Hà Nội đã thành lập ban kịch “Nữ tài tử” và trình diễnvở “Trang tử cổ bổn”. Mục đích của vở kịch như được thể hiện trước hết là dùngluân lý để khuyên răn phụ nữ, sau là để lấy tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt.Bất chấp những ý kiến cho rằng phụ nữ con nhà gia giáo, phụ nữ có giáo dụckhông nên “vác bộ mặt hoa da phấn lên sân khấu múa may quay cuồng” (Hà ThànhNgọ báo), phụ nữ Hà Nội vẫn tham gia đóng kịch, coi đó như “bổn phận đối vớibản thân mình và đối với xã hội” vì “người ta bất cứ trai hay gái đều có chứcvụ tự đào luyện cho nhân cách thực hoàn toàn đủ phát triển được hết tài năng” (Thờibáo-29-30/1/1931)

Như vậy có thể thấy người phụ nữmới của Hà Nội không chỉ thể hiện khát vọng tự do, khát vọng sống hạnh phúctrong hôn nhân với người mình yêu mà còn khẳng định khát vọng được khẳng địnhgiá trị của bản thân, tự do phát triển tài năng. Việc những cô gái Hà Nội bướcra khỏi ngôi nhà của mình để tham gia các hoạt động xã hội với khát vọng đượccống hiến, được khẳng định là bước chuẩn bị có ý nghĩa giúp họ bước vào cuộckháng chiến chống Pháp giành độc lập sau này.

2.3. Đấu tranh đòi quyền chínhtrị, đòi quyền bầu cử, ứng cử là cách khẳng định quyền làm chủ vận mệnh mìnhmột cách thiết thực nhất

Ý thức được vai trò của mìnhtrong xã hội, phụ nữ Hà Nội nhận thức được rằng, để có thể làm chủ vận mệnh củamình, người phụ nữ phải có quyền bầu cử, quyền ứng cử và quyền tham chính, vìvậy họ sớm tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiền đề để thực hiệncác quyền của phụ nữ. 

Trong cuộc vận động đòi tự do dânchủ thời kỳ 1936-1939, nhiều nữ trí thức đã tham gia viết bài tuyên truyền quanđiểm của Đảng về công tác vận động phụ nữ, kêu gọi phụ nữ đấu tranh, thành lậpcác Ủy ban hành động, đưa ra những khẩu hiệu hướng dẫn và tập hợp phụ nữ đấutranh vì quyền lợi của bản thân phụ nữ như: thực hiện quyền phụ nữ phổ thôngđầu phiếu, tuyển dụng phụ nữ vào các công sở, làm việc ngang nhau, tiền lươngngang nhau, mở trường và các nhà dạy thể dục thể thao cho chị em phụ nữ..

Ngày 24/9/1936, tại Hà Nội, 40phụ nữ đã họp ở trụ sở hội Trí Tri phố hàng Quạt để bàn về việc thảo tập Dânnguyện. Đoàn Thị Tâm Đan làm chủ tịch và các chị Tâm Kính (tức Trần Thị Trác)và chị Đinh Thị Phượng làm thư ký. Hội nghị đã bàn về những vấn đề: mở trườngphổ thông riêng cho phụ nữ, không hạn chế tuổi; Phụ nữ phải có quyền bầu cử,thành lập các tiểu ban để tập hợp nguyện vọng của phụ nữ cho sát với ngành nghềnhư các ban Lao động, Thương mại, Nông giới, Công giới, Hộ sinh, công chức cácsở, giáo giới, báo giới…Trước việc có nhiều ý kiến không ủng hộ việc đòi quyềnbầu cử cho phụ nữ, Song Nga đã phát biểu trên báo Đông Pháp nhấn mạnh: Phụ nữcần phải có quyền bầu cử, vì đó chính là điều kiện để phụ nữ tham gia vào việccông ích, cũng như đó chính là lợi khí bênh vực cho mình. “Bao giờ người đàn bàcũng có quyền tự ý kén chọn người thay mặt cho mình thì mới mong thực hànhnhững nguyện vọng chính đáng cho mình được…” (Đông Pháp-4/10/1936)

Sau cuộc họp, ngày 4/10, báo NgàyNay có bài viết mỉa mai cuộc họp của phụ nữ với các biếm họa, ngay lập tức TâmKính (Trần Thị Trác) có bài trả lời trên báo Tân xã hội “Báo Ngày nay thíchkhôi hài, đó là việc của báo ấy. Nhưng báo ấy lợi dụng sự thấp kém về trình độcủa chị em chúng tôi để bầy trò hề mua vui độc giả là việc chúng tôi hết sứcphản đối” và chị cũng đã kêu gọi chị em“ phải quả quyết đặt mình lên trên sựchế riễu vô ý thức ấy. Chúng ta hãy cứ sốt sắng, hăng hái làm việc của chúngta…” 

Cuộc họp của các Ủy Ban phụ nữ đểthảo tập Dân nguyện này được báo chí đánh giá là “Lần thứ nhất ở ĐôngDương nữ giới ba kỳ biết hiệp hội để làm chính trị” (Đàn bà mới-26/10/1936)

Đỉnh cao của quyết tâm khẳng địnhquyền làm chủ vận mệnh của người “phụ nữHà Nội mới” được thể hiện trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.Theo lời kể của bà Lê Thi[32],người đã trực tiếp tham gia nhiều hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cũngnhư trong cuộc mit tinh tuần hành cướp chính quyền từ ngày 17-19/8 năm 1945,thì phụ nữ Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động của Đảng cộng sản và thamgia vô cùng đông đảo. Trong cuộc mit tinh của Tổng hội công chức của chínhquyền Trần Trọng Kim bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đã “cướp diễn đàn”, giới thiệuvề Mặt trận Việt Minh, về kế hoạch tổng khởi nghĩa cướp chính quyền và thànhlập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…. Cuộc mít tinh đã nhanh chóng biếnthành cuộc biểu tình tuần hành. Bà Lê Thi nhớ lại : “ Phụ nữ chúng tôi rấtđông. Thiếu nữ Hà Nội áo dài quần trắng. Chị em tiểu thương thì mặc quần đen áocánh…Tôi không tả hết được cảm xúc vui sướng và hào khí cách mạng của ngày ấy.Chỉ có thể nói là: Trước đó ở Hà Nội, chưa bao giờ phụ nữ đi bộ ngoài phố đôngnhư thế, lại còn vừa đi vừa vẫy cờ, vung tay hô khẩu hiệu vang trời, mà chẳngthấy xấu hổ gì cả.”…

Cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dânHà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đấu tranh của nhân dân cảnước, vì đây chính là thủ phủ của chính quyền thực dân ở Đông Dương. Cùng vớinhân dân Hà Nội, phụ nữ Hà Nội cũng tham gia vào việc chiếm giữ các cơ quancông quyền như Tòa thị chính, Sở Liêm phóng, Phủ Khâm sai, nhà máy điện, nhàmáy nước, Ngân hàng Đông Dương… góp phần làm nên thành công của Cách mạng dântộc dân chủ của nhân dân Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ViệtNam.

3. Kết luận

Trong nhiều thế kỷ, mặc dù cóđóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phụ nữ Việt Namnói chung và phụ nữ Hà Nội nói riêng, do ảnh hưởng của Nho giáo, chưa bao giờđược đánh giá đúng cũng như có tiếng nói trong cộng đồng và xã hội. Đầu thế kỷXX, dưới tác động của các chương trình khai thác thuộc địa của Pháp, sự thayđổi trong xã hội Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng của tư tưởngdân chủ tư sản và phong trào nữ quyền thế giới đã làm thay đổi nhận thức củaphụ nữ. Từ chỗ suốt đời bị coi là “vị thành niên”, là người phụ thuộc, chưa baogiờ được tham gia vào bộ máy chính quyền ở bất kỳ cấp nào, cũng như chưa baogiờ có tiếng nói trong các cuộc bàn thảo liên quan đến cuộc sống của mình, thìnay, phụ nữ Hà Nội đã bước một bước khá dài trong việc nhận thức vai trò và địavị của họ trong xã hội và từng bước khẳng định mình, đấu tranh để thực hiệnquyền tự do cá nhân, quyền được sống hạnh phúc và quyền tự quyết định vận mệnhcủa mình, góp phần vào quá trình hiện đại hóa để hội nhập với thế giới của HàNội như là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước trong thờikỳ cận đại.

Chú thích



[1] LuậtHồng Đức thừa nhận và bảo vệ chế độ đa thê, trong mục Hộ hôn Điều 27 quy địnhđàn ông buộc phải bỏ vợ nếu người vợ phạm phải “điều nghĩa tuyệt" ( thất xuất:không con, dâm đãng, không chịu thờ bố mẹ chồng, lắm lời, trộm cắp, ghentuông, có tật ghê gớm). Xem: Quốc triều hình luật (2004), NXB TP Hồ Chí Minh,tr.127; Xem thêm: Luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) (1994), NXB Văn hóa thông tin) vẫnáp dụng lệ “ thất xuất” (cụ thể Điều 15 mục nam nữ hôn nhân, tập 3, tr.342), việc hônnhân phải do cha mẹ, ông bà làm chủ hôn.

[2] Gia huấnca, tương truyền của Nguyễn Trãi trong phần dạy vợ con, nhấn mạnh phụ nữ phảihiền thục đảm đang, khéo thu vén gia đình. Dẫn nguồn từ trang web: http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:32bH9HBv6_EJ:www.vanhoaphuongdong.com/forum/showthread.php%3Ft%3D3208+Gia+huấn+ca&cd=14&hl=vi&ct=clnk&gl=vn.

[3] Vũ Thị Phụng (1995), Phụ nữ Việt Nam qua một số hương ước vàphong tục làng xã cổ truyền, Tạp chí Khoa học về Phụ nữ số 1 (19), tr. 6-9,18.

[4] Trần Từ trong “Cơ cấu tổ chức làng Việt ở đồng bằng Bắc bộ”,NXBKHXH (1984) đã đề cập đến vị trí “hai mặt” của phụ nữ Việt Nam trong giađình và xã hội, GS Trần Quốc Vượng cho rằng có một “nguyên lý mẹ” trong văn hóaViệt Nam (Xem: Trần Quốc Vượng, bài viết trong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tháng 12/1996); GS In sun Yu chứng minh rằngxã hội Việt Nam là một xã hội lưỡng hệ, trong đó phụ nữ và nam giới có đia vịngang nhau (Xem: In sun Yu, Mô hình xã hội lưỡng hệ và địa vị phụ nữ Việt Nam truyền thống,Việt nam học – Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, NXB Thế giới, 2001). ĐặngThị Vân Chi (2004) trong “Ảnh hưởng của văn hóa Đông – Tây đối với địa vị phụnữ Việt Nam trong lịch sử” (Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 3 (64) tr 47-55) cũng phân tích những điều kiện tự nhiên và xã hội của Việt Nam đã ảnh hưởng đến vaitrò và địa vị của phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Đó là việc namgiới thường xuyên vắng nhà để đi lính bảo vệ tổ quốc, đắp đê, làm thủy lợi,người phụ nữ trở thành người lao động chính nuôi gia đình. Những đóng góp củaphụ nữ trong kinh tế gia đình và sản xuất xã hội đã làm người phụ nữ có địa vịđược tôn trọng.

[5] Những câu ca dao cổ phản ánh hoạtđộng của phụ nữ trong sản xuất hàng hóa và lưu thông: “Em là con gái Phụng Thiên, Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng…”; “Cô em buôn chỉ bán tơ, Buôn ngọn sông Bờ,buôn cuối sông Thao”“Em là con gái KẻMơ Em đi bán rượu tình cờ gặp anh…”.

[6] Jean Koffler, mộtgiáo sĩ Tiệp Khắc đã viết trong "Cương yếu lịch sử xứ Đàng trong": "Người phụ nữdo mẹ dạy dỗ nên đã làm quen với công việc từ lúc bé. Họ rất khéo trong việcdệt vải bông và lụa. họ nhuộm những thứ này thành nhiều màu khác nhau. Họ cũngkhéo trong việc làm bánh trái và mứt kẹo… Người phụ nữ lười biếng và ngu độn thườngbị chê cười…Phụ nữ trồng thuốc lá, trồng bông. Phụ nữ buôn bán ở chợ hay ở cửahiệu người ngoại quốc…” John Barrow, Hội viên hội Hoàng gia Anh đến Đàng Trongthế kỷ XVIII cũng có nhận xét: "Người phụ nữ ở đây rất hoạt động, họ trông coiviệc làm nhà, chỉ đạo lò gốm, chèo thuyền mang hang ra chợ bán, bật bông, kéosợi , dệt vải, may vá quần áo…Phụ nữ đi buôn bán các laoij hang hóa khá đông…” (Dẫnlại của Trần Quốc Vượng (1972), Truyền thống phụ nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ, tr.17, 18).

[7] Nguyễn Quang Ngọc (1994), Về một sốlàng buôn ở đồng bằng Bắc bộ thế kỷ 17-18, Hội Sử học Việt Nam.

[8] Nguyễn Thừa Hỷ (1993), Thăng long-Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX, Hội sử học Việt Nam.

[9] Ví dụ dân làng ĐanLoan đã mang nghề nhuộm điều lên Thăng Long và lập ra phố Hàng Đào, dân làngChắm (Hải Dương) mang nghề thuộc da ra phố Hàng Giày, người Trâu Khê (HảiDương), Đồng Sâm (Thái Bình)… có nghề đúc bạc và đổi bạc lập ra phố Hàng Bạc,người làng Đại Bái (Bắc Ninh) mang nghề đúc đồng ra khu vực Ngũ Xã (gần hồ TrúcBạch)…

[10] Ví dụ như dân làngQuất Động mang nghề thêu ra phố Yên Thái và Hàng Thêu (Hàng Trống), thợ thủcông làng Hà Vĩ có nghề sơn thếp tới phố Hàng Hòm, người làng Nhị Khê mang nghềtiện gỗ ra phố Hàng Hành, Hàng Tiện, còn thợ thủ công làng Chuyên Mỹ có nghềkhảm xà cừ lập ra phố Hàng Khay…

[11] Andre’ Masson(2002, Hà Nội giai đoạn 1873-1888, NCB Hải Phòng, tr.108.

[12] William Dampier (2006), Một chuyếndu hành đến Đàng Ngoài năm 1688, NXB Thế giới, tr.70.

[13] Sđd, tr80.

[14] Thăng Long đời Trần đã có phường Nhai Tuân tập trungcác khách thương Chà Và (Java) và Hồi Hột (người theo đạo Hồi vùng Trung Á,theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi từ thế kỷ 15 đã có phường Đường Nhân (ngườinước Đường, Trung Quốc) tập trung các Hoa kiều buôn bán. Thế kỷ thứ XVII -XVIII, người phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp gồm các thương nhânđi theo các tàu buôn và các giáo sĩ được Giáo hội cử sang truyền đạo cũng đãđến Thăng Long. Nửa sau thế kỷ XVII, ở Thăng Long-Kẻ Chợ đã có hai thương điếmHà Lan và Anh được phép xây dựng và giao dịch. Một số nhà thờ Thiên chúa giáocũng đã được dựng ở Kẻ Chợ, với những xóm đạo đầu tiên ở ô Cầu Dền, ô Đống Mác,Cầu Giấy và Hàng Bè (theo Nguyễn Quang Ngọc và Nguyễn Thừa Hỷ).

[15] Trongkhoảng 20 năm cuối thế kỷ 19, một loạt các công trình kiến trúc mới/ các côngsở như Tòa thống sứ, Tòa Thị chính, Kho bạc, ngân hàng Đông Dương, khách sạnMétropol… và các tòa nhà Biệt thự của khu phố Pháp, nhà máy điện (1902), nhàmáy nước yên Phụ (1904), công ty tầu điện (1912), nhà máy xe lửa, xưởng sửachữa ô tô… được xây dựng.

[16] Từ đầuthế kỷ XX đến năm 1945, ở Hà Nội có 52 công ty vô danh lớn của tư bản nướcngoài, trong đó có 43 công ty của tư bản Pháp. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là: côngnghiệp phục vụ lợi ích công cộng, công nghiệp nhẹ phục vụ sinh hoạt ( nhà máysợi, bông (1890), nhà máy rượu (1901), nhà máy Diêm (1904), nhà máy Bia (1909),nhà máy Da (1912), nhà máy thuốc lá (1917)… công nghiệp sản xuất vật liệu xâydựng:nhà máy gạch , ngói (1909), nhà máy in …

[17] Buổi diễn kịch dầu tiên được tổ chức vào ngày 16/3/1885,buổi biểu diễn này được coi là “một sự cách tân sân khấu khi xây dựng một nhàhát kiểu Pháp ở Bắc kỳ”, Pháp cũng cho thành lập Viện hàn lâm Bắc Kỳ, các việnnghiên cứu… mở phòng đọc sách, hiệu sách ngay từ những năm cuối thế kỷ 19 (theo Andre’ Masson trong “ Hà Nội giai đoạn 1873-1888- sách đã dẫn) Năm 1901,Nhà hát lớn Hà Nội được xây dựng, không chỉ là công trình mang đậm phong cáchkiến trúc Pháp mà còn là nới diễn ra các hoạt động văn hóa mới.

[18] Trịnh Văn Thảo(1995), L’ecole Francaise en Indochine, Paris, Kathala, tr.92,93.

[19] Báo Đàn bà, Số xuân1941, tr4.

[20] Đăng cổ tùng báocho biết ngoài trường Đông kinh nghĩa thục, thời gian này ở Hà Nội còn có NgọcXuyên Nghĩa thục và Mai Lâm nghĩa thục, là trường tư dạy chữ quốc ngữ và chữHán. Báo ngày 17/10/1907 cho biết có 2 phụ nữ đại diện cho một nhóm khoảng 10phụ nữ thông thạo tiếng Pháp, tiếng Hán và nữ công sẵn sang đến giúp trườngĐông Kinh Nghĩa thục (tr478).

[21] Báo Đàn bà số Xuânnăm 1941, tr.4.

[22] Trịnh VănThảo(1995). L’ ecole Francaise en Indochine, Paris, Karthala Tr 148, (Bản dịch).

[23] Trịnh Văn Thảo , sách đã dẫn, tr149.

[24] Ví dụ như BàNguyễn Thị Đa (chủ nhiệm báo Phụ nữ thời đàm (1930-1934), Nguyễn Thị Thanh Tú-Chủ nhiệm báo Việt nữ (1937), Nguyễn Thị Thảo - chủ nhiệm báo Phụ nữ (1938),Lưu Thị Yến ( Thụy An)- chủ nhiệm báo Đàn bà (1939-1945), Trương Thị Nghĩa- chủnhiệm báo Bạn gái (1945)…

[25] Trần Thị TrinhChính, Liên Hương, Thu Vân… trên Phụ nữ thời đàm, Lan Hương, Lệ Chi… trên báoPhụ nữ, Mộng Sơn, Ngọc Lan, Thạch Lan, Việt Thanh…trên báo Việt Nữ, Phạm NgọcChâu, Hằng Phương, Nguyễn Hảo Ca, bà Phan Quang Định, Thu Linh… trên báo Đàn bà…

[26] “Vấn đề bình đẳng với chị em ta”(PNTĐ-8/12/1930), “Vấn đề nữ quyền: bình đẳng ở đâu, giải phóng cái gì?” (PNTĐ-23/1/1931), “ Xét về quyền lợi của phụ nữ về pháp luật” (PNTĐ-4-5/1/1931), “Vấn đề giải phóng phụ nữ” (PNTĐ- 8/5/1931), “ Địa vị người đàn bà Việt Nam ngàynay trong gia đình và ngoài xã hội phải thế nào” ( Việt nữ-5/5/1937)…

[27] Lưu Cự Tài (2001),Lịch sử tuyển chọn người đẹp, NXB Trẻ, tr135-136.

[28] Nguồn gốc củachiếc áo dài tân thời, theo báo Tân Á là do một người Việt Nam tạo ra năm 1921,có ảnh hưởng của phong cách thời trang của nhà thiết kế thời trang nổi tiếngngười Pháp Doenillet. Đến năm 1929 mẫu áo dài này được nhà thiết kế thời trangChu Hương Mẫu đưa về Hà Nội và được họa sĩ Cát Tường lăng xê gọi là kiểu áo dàiLemur. Đến năm 1933-1934 thì phụ nữ Hà Nội bắt đầu mặc nhiều và dần dần lan racả nước. ( Phạm Thu (1997), Phụ nữ Việt nam với ý thức về cái đẹp và lịch sửchiếc áo dài dân tộc” Kỷ yếu Hội nghị khoa học cán bộ nữ Đại học quốc gia HàNội).

[29] Năm 1929-1930,Hoàng Việt Nga, một nữ sinh Hà Nội đã tổ chức cuộc đi bộ từ Hà Nội xuống HảiPhòng,tháng 4 năm 1937, một đoàn phụ nữ Hà Nội khác cũng tổ chức cuộc đi bộthăm chùa Trầm. các cuộc đi bộ này đều gây tiếng vang và được báo chí đưa tinnhiều.

[30] Ở Hà Nội thời kỳnày có khá nhiều vụ tự tử của các cô thiếu nữ ở Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch mà báo chíđã gọi là “ Nạn dịch tự tử”. Nguyên nhân của các vụ tự tử này là do bị cưỡng épkết hôn.

[31] Wynn Wilcox, Women, Westernization and the Origins ofModern Vietnamese Theatre, Journal of Southeast Asian Studies, 37 (2), cáctrang 205-224, June 2006, The National University of Singapore: Singapore,2006. (Bản dịch của Ngô Băc trên trang mạng; http://www.gio-o.com/NgoBacWWilcoxKichNghe.htm)

[32] Bà Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giađình và giới, con gái cố GS Dương Quảng Hàm). Bà là người tham gia cả hai sựkiện lớn trong Cách mạng Tháng Tám: cuộc mít tinh 17/8 và ngày tổng khởi nghĩa19/8 ở Hà Nội. Bà cũng là một trong hai thiếu nữ được vinh dự kéo cờ trong lễĐộc lập 2/9/1945. (Người kia là bà Đàm Thị Loan, phu nhân Đại tướng Hoàng VănThái). Theo bài trả lời phỏng vấn trên tuần Việt Nam 18.8 2006, “19/8 - cuộckhởi nghĩa của những người tay không” do Đoan Trang thực hiện.18/08/2009 06:11.

(Ghi chú: Bài viết này tác giả đã gửi tham dự Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình" tổ chức từ ngày 7 đến 9/10/2010 tại Hà Nội; Bài đã in trong kỷ yếu của Hội thảo, NXB Đại học quốc gia Hà nội và in lại trong bộ sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hầu hết các ảnh cũ về Hà Nội dùng để minh họa cho bài viết đều được lấy trên mạng Internet, nhằm mang đến cho bạn đọc những hình dung cụ thể hơn, hoàn toàn vì cộng đồng và phi lợi nhuận - Tác giả Đặng Thị Vân Chi).

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 11:11. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response