|

TRÁCH NHIỆM VỚI CỬ TRI LÀ TRÊN HẾT

Tác giả: TS. Nguyễn Sĩ Phương
Nguồn: Báo Sài gòn Tiếp thị, đăng ngày 9/10/2011 tại đây


SGTT.VN - Tối ngày 9.10, Thủ tướng Đức hội đàm với Tổng thống Pháp Sarkozy tại Berlin để bàn về giải pháp cứu ngân hàng Dexia (Bỉ) và gói cứu trợ cho Hy Lạp, cũng như giải pháp giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng châu Âu. Trong khi các nhà đầu tư chỉ trích lãnh đạo các nước châu Âu chậm trễ trong việc đưa ra các quyết sách giải cứu khủng hoảng nợ châu Âu, thì bản thân các vị nguyên thủ cũng chịu áp lực phản đối việc người dân phải chịu trách nhiệm với nợ của quốc gia khác. 
Có thể thấy rõ hơn lập luận của công chúng qua cuộc bỏ phiếu tán đồng mở rộng quỹ cứu trợ tài chính châu Âu vào cuối tháng trước. 
Tính tới nay, quỹ cứu trợ tài chính Âu châu (EFSF) đã cam kết bảo lãnh tài chính cho Ireland 85 tỉ euro, Bồ Đào Nha 78 tỉ, và mới đây Hy Lạp 110 tỉ. Dù vậy Hy Lạp hiện vẫn bị đe doạ vỡ nợ, Ý và Tây Ban Nha đang rơi vào nguy cơ đến lượt, buộc 17 quốc gia EU tham gia quỹ EFSF phải đưa ra dự luật mở rộng Qũy này lên 780 tỉ euro, trong đó IWF đóng góp 250 tỉ, ngân sách EU chịu 60 tỉ, riêng mình nước Đức gánh tới 211 tỉ so với ấn mức hiện tại chỉ 123 tỉ. 
Người dân Đức không chịu trách nhiệm nợ của quốc gia khác

Phiên họp Quốc hội Đức ngày 29.9.2011 Ảnh: Reuters


Các nhà khoa học tính toán, trong trường hợp tất cả con nợ không trả nổi lãi vay trong 10 năm, thì Đức phải gánh mức bảo lãnh lên tới 400 tỉ euro, gấp 4/3 thu ngân sách Đức trọn một năm. Chính vì vậy, không một chính khách Đức nào không trăn trở giữa bảo lãnh nợ để giữ đồng euro với lợi ích người dân họ, mà như chủ tịch đảng FDP, phó thủ tướng Đức gốc Việt, Rösler, bức xúc tuyên bố “mỗi người dân Đức không chịu trách nhiệm với nợ của quốc gia khác“
Ở Đức, ngân sách đồng nhất với tiền thuế của dân, mọi khoản chi bất kể lớn nhỏ, từ cho phép người lao động được khấu trừ chỉ 0,3 euro/1km phí đi đường vào thu nhập tính thuế, đến tăng thêm chỉ 3 euro/tháng trợ cấp cho người thất nghiệp… nhất nhất đều phải qua ba rào cản chính phủ, hạ viện, thượng viện, thậm chí còn phải chịu phán quyết toà án Hiến pháp nếu bị khiếu kiện; nước họ không phó mặc cho chính phủ. Chính vì vậy, việc thông qua dự luật mở rộng EFSF, với mức Đức đóng góp kỷ lục đã trở thành sự kiện nóng bỏng chính trường Đức, sôi sục dư luận mấy tháng nay, thậm chí được coi là phép thử khả năng tồn tại chính phủ Đức. Có thể hình dung ít nhiều, cả chính phủ lẫn hạ và thượng viện Đức phải cật lực, chật vật “trầy vẩy“ tới mức nào, qua diễn tiến phiên họp Hạ viện của họ ngày 29.9 vừa qua. 

Cần biết, ở Đức một dự thảo Luật có thể qua tới 5 phiên họp toàn thể: khởi đầu được trình ra phiên họp toàn thể thảo luận, sau đó chuyển kèm cả tranh cãi cho các uỷ ban liên quan nghiên cứu; phiên thứ 2 được triệu tập, sau khi nghị sỹ nhận được kết qủa từ các ủy ban. Nếu bị phủ quyết, sẽ phải thương thảo tiếp tại phiên họp thứ 3. Nếu Quốc hội thông qua sẽ được chuyển tới thượng viện. Nếu tại đó bị phủ quyết, sẽ được chuyển trở lại quốc hội, tổ chức phiên họp lần 4. Nếu chuyển lần 2 tới thượng viện vẫn bị phủ quyết, Quốc hội sẽ phải họp tới lần 5. 

Trách nhiệm với cử tri là trên hết

Ông Rösler, phó thủ tướng Đức: "Khi cứu trợ tài chính khẩn cấp các nước EU, Quốc hội phải có vai trò quyết định như nhà vua. Chúng tôi không muốn một châu Âu nợ chung tốn kém tiền dân". Ảnh: Reuters


Phiên họp ngày 29.9 là phiên họp toàn thể lần 2, khai mạc lúc 9 giờ 01, với lời phát biểu của chủ tịch Quốc hội dài 7 phút, yêu cầu thảo luận và biểu quyết Dự luật mở rộng quỹ EFSF, do chính phủ đệ trình, và thông cáo các đảng đều nhất trí ngoại trừ đảng Linkspartei chống lại. 
Theo thứ tự danh sách đăng ký sẵn, 9 giờ 09, trưởng đoàn nghị sĩ đảng CDU trong liên minh cầm quyền, ông Volker Kauder, lên diễn đàn khuyến nghị nghị sĩ đảng họ về “tầm quan trọng lá phiếu của mình", bởi “Chính phủ không thể vượt mặt Quốc hội”, bởi “quỹ EFSF cũng chính nhằm bảo đảm cho nền kinh tế và ngân hàng Đức", liền bị chính một nghị sĩ đảng ông thuộc phe phản đối dự luật cắt ngang chất vấn, rồi kết luận “tôi thật thất vọng“. Tiếp tục bài phát biểu, Kauder cáo buộc đảng đối lập lớn nhất (SPD), đã sai lầm muốn thành lập quỹ nợ chia chung EU, rồi chỉ trích phó chủ tịch đảng này, ông Steinbrück, nguyên bộ trưởng Tài chính thời SPD cầm quyền, “cách đây một năm ngài chống lại EFSF, nay thì đồng ý. Đảng ngài thật tiền hậu bất nhất“. Cả đoàn nghị sĩ đảng SPD ngồi dưới cười ngặt nghẽo đáp trả. 
Tiếp nối, tới lượt chính Steinbrück đăng đàn. Vốn là một nhà kinh tế học, ông lý giải về tác động vĩ mô nhiều mặt trái ngược nhau của EFSF từng xảy ra trong quá khứ, và khẳng định “trong những năm lại đây, châu Âu chúng ta đã không chú trọng đúng mức đồng euro. Người dân hoài nghi EU là hiển nhiên thuộc trách nhiệm chính phủ". Cuối cùng, ông hướng về phiá đoàn nghị sĩ liên minh cầm quyền: “Các ngài hoảng, vì không đủ khả năng theo đuổi chính sách ổn định tiền tệ ?”, rồi nhắm vào thủ tướng Merkel: “Tôi đồ rằng, trong tương lai, bà sẽ còn phải tranh cãi với hạ viện về EFSF dài dài”. “Nhưng ở bà hiện đang thiếu một điều kiện chính trị tiên quyết: lòng tin của dân”. Kết thúc, Steinbrück châm chích: "Theo lịch Trung Quốc, năm nay là năm con thỏ. Chính phủ đã cho chúng ta ấn tượng đó”. Đoàn nghị sĩ đảng ông cười khoái chí vỗ tay nhiệt liệt.
9 giờ 47 phút, ông Brüderle, trưởng đoàn nghị sĩ đảng FDP trong liên minh cầm quyền lên diễn đàn, khẳng định: "Nhờ có Liên minh cầm quyền của đảng ông mà “may cho nước Đức”. Nếu Liên minh cầm quyền SPD và Grüne nhiệm kỳ trước vẫn tồn tại thì chúng ta đã rơi vào cảnh trả nợ cho nước khác bằng mọi giá. Nguyên nhân khủng hoảng đồng euro hôm nay bắt nguồn từ nhiệm kỳ các ngài, mà thủ tướng Schröder (SPD) lúc đó đã từng nói đồng euro đẻ non”.

10 giờ 11 phút, đến lượt Gregor Gysi đảng Linken, nguyên chủ tịch đảng Cộng sản Đức, bước lên diễn đàn tuyên bố đảng ông chống lại mở rộng EFSF, bởi “nó cứu trợ cho ngân hàng chứ không phải cho người dân“. Ông tranh thủ lồng chủ đề, đòi đánh thuế doanh thu kinh doanh tiền tệ chứng khoán (hiện chỉ đánh vào lãi kinh doanh), đặt cơ quan cho điểm uy tín tín dụng vào tay nhà nước, thực thi ngân hàng nhà nước cấp EU, rồi đặt câu hỏi “tôi thật ngây thơ, nghĩ rằng khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ làm giảm triệu phú. Nhưng thực tế, số triệu phú ở Đức đã tăng thêm 51.000 lên tổng số 861.000 người trong năm nay. Xin chính phủ giải thích cho tôi điều đó?”. 

Trưởng đoàn đảng Grüne, ông Trittin, đăng đàn lúc 10 giờ 21, vẫn phong cách xưa nay, tay phải đút túi, người khom về trước, tay trái chém từng từ phát ra, kêu gọi đảng Linken đừngchống lại EFSF, “ai ủng hộ Euro và đoàn kết quốc tế, người đó không được phép chống lại EFSF". Hướng về Thủ tướng Merkel, ông lên tiếng: “Chính phủ thiếu kiểm tra chặt chẽ ngân hàng cùng thị trường tài chính, xử lý chậm trễ, do dự đã làm tốn tiền bạc của dân hôm nay. Khủng hoảng này quá lớn đối với những bước đi quá nhỏ của chính phủ và cũng chứng tỏ rõ ràng quá sức thủ tướng".

Lúc 10 giờ 35, người được trông đợi nhiều nhất là bộ trưởng Tài chính Schäubler, đảng CDU, chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật, phát biểu. Ông vào đề thẳng thắn: “Thế giới đang lo ngại đại khủng hoảng tài chính sẽ tới”, và chia sẻ với cả người chỉ trích lẫn bị chỉ trích, “khủng hoảng lớn như vậy, không ai có thể ra được quyết định dễ dàng cả”. Trả lời chất vấn giữa chừng của các nghị sĩ đối lập ngờ vưc EFSF còn tăng nữa không giới hạn, ông khẳng định danh dự “EFSF sẽ không tăng, chỉ ở 211 tỉ Euro“. 
10 giờ 56 phút, phó thủ tướng gốc Việt Rösler phát biểu vo một mạch như thường lệ, khẳng định "Khi cứu trợ tài chính khẩn cấp các nước EU, Quốc hội phải có vai trò quyết định như nhà vua. Chúng tôi không muốn một châu Âu nợ chung tốn kém tiền dân, mà cần một liên minh Euro bền vững đúng nghĩa". Chủ tịch đảng Linken liền cắt ngang chất vấn đánh đố: “Ngài Rösler, ngài có khả năng loại trừ, không cần người dân trả tiền cho cái mà chúng ta hôm nay thông qua chứ?”. Còn một nghị sĩ đảng SPD chất vấn, đổ cho đảng FDP vừa bị thất cử tại tiểu bang Berlin là do thiếu ủng hộ EU, liền bị Rösler phản pháo: "Thế các ngài đã ủng hộ EU ở đâu, khi mới đây, chính tại nghị viện châu Âu, nghị sĩ đảng SPD và Grüne đã bỏ phiếu chống EFSF". Đoàn nghị sĩ liên minh cầm quyền CDU, CSU và FDP vỗ tay tán thưởng rầm rầm. 
11 giờ 15, một nghị sĩ đảng liên minh cầm quyền CDU đăng đàn chống lại chủ trương đảng ông. "Trong sự nghiệp chính trị của mình, tôi luôn ủng hộ chính phủ do đảng mình cầm quyền, nhưng bây giờ thì tôi không nhất trí. Không thể chống lại nợ quá mức bằng cho vay thêm. Biện pháp đó tốn rất nhiểu tiền. Chúng ta không sẵn tiền. Chúng ta đã sai lầm đi vay tiền con cháu của chúng ta chi cho hôm nay", ông này nói. 
Đến 11 giờ 51 phút, kết quả biểu quyết 523 phiếu thuận, 85 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Nội bộ đảng Liên minh cầm quyền tới 13 phiếu chống, 2 phiếu trắng, trên 315 phiếu thuận; trong khi phiá đối lập, đảng SPD chỉ một phiếu chống, 1 phiếu trắng, đảng Grüne 1 phiếu trắng, 70 nghị sĩ đảng Linken đều bỏ phiếu chống. 
Công khai trước dân

Trưởng đoàn nghị sĩ đảng CDU trong liên minh cầm quyền, ông Volker Kauder. Ảnh: Reuters


Tên từng nghị sĩ bỏ phiếu chống hay trắng đều được công khai, cùng toàn cuộc họp được truyền hình trực tiếp, không bỏ sót bất cứ tình tiết nào, ngay cả cảnh Thủ tướng cúi xuống bấm tin nhắn trong khi một diễn giả trên diễn đàn đang chỉ trích mình. Điều đó là cần thiết và bắt buộc, bởi một khi người dân đã là chủ nhân đất nước, họ phải được mục thị nghị sĩ thay mình hành xử ra sao với chính phủ làm công bộc cho họ. Và, nghị sĩ phải chứng minh được mình trước chủ nhân người dân - xuất phát từ nền tảng Hiến pháp (điều 38: “Từng nghị sĩ đại diện cho toàn dân, không nhận bất cứ ủy quyền hay chịu sự chỉ đạo nào, chỉ hành động theo nhận thức của mình), lãnh đạo đảng họ, quốc hội, các ủy ban chỉ đóng vai trò tổ chức chứ không phải cấp trên của họ. Và điều 46 quy định, “cá nhân nghị sĩ không bao giờ bị theo dõi pháp lý hay hành chính, bất cứ ở trong hay ngoài Quốc hội, dù họ bỏ phiếu chống hay thuận, phát biểu như thế nào, ngoại trừ xúc phạm mang tính vu khống".
Nghị trường nước họ luôn nóng bỏng, bức xúc, hành xử tự nhiên hệt như chính cuộc sống của người dân, bởi họ phải nhập thân nhân dân họ, lại được quyền tự do “dọc ngang nào biết trên đầu có ai" ngoài người dân đã tín nhiệm họ. Tuy nhiên, nghị sĩ cũng chỉ là con người mưu sinh, không phải thần thánh. Để hoàn thành sứ mạng được giao, họ phải được bảo đảm mọi điều kiện, có tiền lương dư dật không buộc phải mưu sinh bằng công việc khác, có nhân lực phục vụ họ như một thủ trưởng, có văn phòng cùng mọi phương tiện cho họ hoạt động; và họ phải toàn tâm toàn ý cho chức năng đó suốt cả nhiệm kỳ, có thể kiêm nhiệm việc khác, nhưng không thể mưu sinh việc khác để kiêm nhiệm chức năng nghị sĩ cao cả vốn mỗi phát biểu hành xử đều liên quan đến cuộc sống của toàn dân, sứ mệnh của đất nước, tiền đồ của dân tộc. Chính vì vậy, mọi nghị sĩ Đức phải hai tuần họp liên tục, làm việc cật lực, hai tuần chuẩn bị (chỉ có thể làm thêm trong hai tuần này) xen nhau suốt cả nhiệm kỳ, ngoại trừ tháng Quốc hội nghỉ phép, hoặc ngày nghỉ, lễ.
Không một đất nước nào hiện đại nổi nếu người dân họ không làm việc cật lực, hối hả, chuyên nghiệp; không doanh nghiệp nào vươn tới thương hiệu mạnh, nếu không dựa trên quy trình chặt chẽ, công nghệ cao, chuyên viên giỏi. Nhưng tiền đề, nền tảng cho nó, trước hết là Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, phải tiên phong làm việc cật lực, mới có thể đòi hỏi được người dân và doanh nghiệp họ như vậy. Thực tế cuộc họp Quốc hội Đức nói trên là một minh chứng. 

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 19:42. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response