|

LUẬN BÀN VỀ Y ĐỨC VÀ PHÁP LUẬT

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Thư Hà nội, Báo điện tử Vietnamnet
Đăng ngày 20/7/2006

(VietNamNet) - Giữa bao điều nhức nhối hàng ngày ở các phòng khám và chữa bệnh, vẫn có thể bắt gặp những hình ảnh thầy thuốc cao quí trong cuộc đời. Không chỉ phê phán, xã hội cần phải biết sẻ chia, quan tâm, khuyến khích và nhân rộng nhiều hơn những tấm gương như thế.
Những ngày này đang là những ngày cao điểm nhất của đợt nắng nóng trong năm. Đài báo đều đăng tin về sự quá tải của các bệnh viện, ngay ở một số bệnh viện giữa Hà Nội. Trong đầu tôi lại hình dung bóng hình của những người bác sĩ áo trắng đang bằng tất cả sức lực, trí tuệ và tình thương để cứu giúp người bệnh với tất cả sự khâm phục và quí trọng. 
Bác sĩ - họ là ai ?

 

Vâng. Họ là những người thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người bệnh có cả những người gầy ốm, người thiếu vệ sinh, những nạn nhân tai nạn, những người đang khủng hoảng về mặt thể xác, về tâm thần...

Họ là những người, vì có người bệnh đang đau ốm; đang cầu cứu mà không quản nắng mưa sẵn lòng đến những túp lều tranh, những khu nhà ổ chuột dơ bẩn và, dĩ nhiên, đến cả những nơi nhà cao cửa rộng, những gia đình giàu có...

Và họ là ai nữa? 

Không giống như nhiều nghề nghiệp khác, họ cùng với luật sưlinh mục được xã hội xếp vào ba loại công việc đặc biệt nhất. Vì, với  những công việc ấy, họ có điều kiện biết được những gì là thật nhất, thậm chí riêng tư, sâu kín nhất của con người, cả thể xác cũng như tâm hồn. Sự tiếp xúc của họ có thể là công khai và được nhiều người chứng kiến, nhưng, trong những hoàn cảnh đặc biệt, chỉ có một mình với đương sự... 
Luật pháp đã qui định rất rõ: nếu bác sĩ không cứu chữa bệnh nhân mà không có lý do chính đáng, từ chối không điều trị gây hậu quả nguy hại cho bệnh nhân thì người thầy thuốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình.

Nhưng hãy bình tĩnh sẽ thấy đó chỉ là trên phương diện luật! Thử hỏi khi người thầy thuốc tỏ ra  ít tế nhị, ít mật thiết, lạnh lùng, thậm chí ráo hoảnh với bệnh nhân thì toà án nào xét xử? Chẳng có điều luật nào cấm bác sĩ tiêm đau cho bệnh nhân cả; cũng chẳng có một điều luật nào cấm bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nhưng không lạnh lùng, ráo hoảnh với bệnh nhân cả... Phải chăng, không phải luật pháp, mà một phạm trù rộng hơn thế, bền vững, ổn định hơn thế cần thiết phải được đề cập ở đây. Đó chính là đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của bác sĩ.

Nhìn rộng hơn sẽ thấy sự kết hợp lỏng lẻo giữa luật pháp và đạo đức ở nước ta. Chẳng hạn, hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có những qui định về cái chết nhân đạo: cho phép người mắc bệnh hiểm nghèo (bệnh không thể cứu chữa- incurable diseases) được lựa chọn một cái chết nhẹ nhàng với sự trợ giúp của các nhân viên y tế. Việc làm này, theo quan niệm của họ, mới là nhân đạo vì một mặt sẽ tránh được đau đớn cho nạn nhân, mặt khác sẽ giúp cho nhiều gia đình thoát khỏi cảnh phải khuynh gia bại sản nhưng vẫn không đem lại kết quả. Trong khi đó ở nước ta (và một số nước khác nữa), có thể do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo (hay các luật lệ của các tôn giáo khác...), chẳng những không có qui định cho phép hoặc tuỳ nghi mà nhiều khi trừng trị những cán bộ y tế với tội danh giúp người khác tự sát ?!

Quả thật, sách báo và cả chương trình đào tạo luật học lâu nay dường như vẫn chú trọng một chiều đến vấn đề vi phạm và xử phạt vi phạm mà ít chú trọng đến khía cạnh thứ hai của pháp luật là việc phòng ngừa, bảo vệ và khuyến khích tạo ra ngày càng nhiều hành vi hợp pháp, đến các công cụ, phương tiện khác nhằm điều chỉnh hành vi con người một cách có hiệu quả nhất. Việc chú trọng đến các hành vi hợp pháp sẽ góp phần nâng cao nhận thức của con người trong việc tích cực sử dụng pháp luật, thấy được ích lợi của việc sử dụng pháp luật. Việc tạo lập môi trường cho các hành vi hợp pháp, tạo điều kiện cho các hành vi hợp pháp được hình thành và ngày càng được nhân rộng là một việc làm vô cùng quan trọng trong xã hội hiện nay. 
Giá trị nhân văn và sự phù hợp với luật pháp trong một xã hội pháp quyền chính là ở chỗ luật pháp ngoài tính nghiêm minh, công bằng phải thẩm thấu được trong nó giá trị của tình người, tính nhân đạo. Vậy thì tại sao không nhân rộng những hành vi hợp pháp, tại sao không nhìn pháp luật trong sự gắn kết với những qui tắc nghề nghiệp, với việc khuyến khích và nhân rộng những tấm gương cao quí.

Xã hội hãy trân trọng, chia sẻ và cảm thông với công việc của người bác sĩ, vì không giống như một anh văn công xã, hay một diễn viên hài kịch, cảnh mà hàng ngày, hàng giờ họ tiếp xúc là những bệnh nhân, những người gầy ốm, cả những người thiếu vệ sinh, những nạn nhân gặp tai nạn, những người đang khủng hoảng về mặt thể xác, về tâm thần...một nơi vẫn thường thấy cảnh tượng căng thẳng, lo âu, buồn chán, hay ly tán, nhưng cũng là nơi đòi hỏi tính trách nhiệm cao nhất khi mà sự nhanh chậm có thể đổi giá bằng tính mạng một con người. Ai biết và thông cảm khi bác sĩ họ cũng là... những "con người"!... phải chăng cuộc sống sẽ chỉ tốt lên, nhân văn và cao đẹp hơn khi tất cả mọi người, mọi công việc đều cần có sự sẻ chia quan tâm lẫn nhau?

Hãy tạo điều kiện về kinh tế cho người bác sĩ để họ có thể yên tâm với công việc của mình, để bác sĩ không phải sống dựa vào đồng quà, tấm bánh của những người bệnh khốn cùng, hãy để cho tình người, lòng nhân ái được trải rộng ngay cả khi không có sự hiện hữu của luật pháp và cả những nơi luật pháp không thể với tới được.

Hết những đợt nắng nóng sẽ là những cơn mưa khiến cho tiết trời và lòng người trở nên dịu mát. Giữa bao điều nhức nhối nghe thấy hàng ngày ở các phòng khám và chữa bệnh, tôi vẫn bắt gặp sự hiện hữu quanh mình hình ảnh những thầy thuốc với chiếc áo trắng vẫn cần mẫn sớm tối đi về tận tâm, tận lực, tận tình với bệnh nhân, với công việc. Xã hội đang cần lắm những con người như thế!

Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:

Posted by Unknown on 18:24. Tags . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response