SỰ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ VIỆT NAM
Đây là câu hỏi do có nhiều bạn sinh viên năm thứ nhất (K52) nêu lên, dưới đây là một vài gợi ý trả lời:
Cách 1. Khẳng định chủ quyền quốc gia bằng tự quyết định và kiên quyết bảo vệ biên giới lãnh thổ:
VD1: Thời Tiền Lê, Lê Hoàn đã tổ chức một lực lượng quân đội mạnh ở sát vùng biên giới. [Xem Nguyễn Hồng Dương, Phan Đại Doãn, Sơ thảo lịch sử bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. NXB Công an nhân dân, Hà nội, 1990, tr.39]
VD2: Thời Lý Nhân Tông, nhà vua gửi một tờ biểu cho vua Tống đòi lại những vùng đất mà quân Tống đã chiếm trước đây, có đoạn viết: "Mặc dù đất ấy chỉ nhỏ như hòn đạn, những vẫn khiến lòng tôi đau xót luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng". [Xem Nguyễn Hồng Dương, Phan Đại Doãn, Sdd, tr.126]
VD3: Lê Thánh Tông sau này đã có câu nói rất nổi tiếng: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được. Kẻ nào dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì kẻ đó phải bị trừng trị" [Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục. Bản dịch của Ban nghiên cứu Văn sử địa, tập XI, Nxb, Văn sử địa, Hà nội, 1959, tr.68].
Nhà Lê còn cho dựng cột mốc ở các vùng biên giới và lập bản đồ nước Đại Việt. Lê Thánh Tông đã hạ lệnh cho 12 quan thừa tuyên thân hành đi khám xét núi sông, nơi hiểm trở, vẽ rõ ràng thành bản đồ có ghi chú nộp cho Bộ Hộ để sáng tác bản đồ địa dư. Cuối năm 1469, bản đồ 12 Đạo thừa tuyên được hoàn thành.
VD4: Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi là một tác phẩm rất nổi tiếng, là tác phẩm địa lý - lịch sử đầu tiên của cả nước, tác phẩm thành công do ông đã bỏ rất nhiều công sức đi nhiều nơi và ghi chép công phu diện mạo, địa hình, sông núi, tên làng, phong tục tập quán.
VD5: Nhà Nguyễn đã tiến hành khẳng định chủ quyền trên các vùng biển như Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa... Vua Gia Long đã cho thành lập "Đội Hoàng Sa" để khai thác quần đảo bãi cát vàng và nhiều lần cử quan lại ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ.
VD6: Vùng đất phía Nam mà chúng ta có được là bằng nhiều hình thức khác nhau như: thông qua quan hệ hôn nhân (Trần Nhân Tông đã gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân (Vua Chiêm), nhận 2 Châu Ô, Châu Lý - vật dẫn cưới); qua tổ chức di dân khẩn hoang (Thời Lê, Nguyễn) và có cả hình thức chinh phạt bằng quân sự (Thời Lê Thánh Tông về cơ bản giải quyết Chăm pa bằng con đường này);
Cách 2. Bằng đặt tên nước, định kinh đô, xưng danh hiệu, tổ chức nhà nước, xây dựng luật pháp:
VD1: Tên nước ta về cơ bản đều có chữ "Đại" - hàm ý to lớn. (Thời Đinh - Tiền Lê: Đại Cồ Việt; Thời Lý-Trần: Đại Việt; Thời Hồ: Đại Ngu [Ví nhà nước mạnh như thời Ngu Thuấn]; Hậu Lê: lấy lại tên Đại Việt; Thời Nguyễn: Đại Nam);
VD2: Định đô: Kinh đô lâu dài nhất là Thăng Long (Ngoài ra còn có Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê; Phú Xuân ở Huế từ thời Vua Gia Long). Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa, nó phản ánh bản lĩnh, sức mạnh và ý chí của nhà nước về chủ quyền quốc gia.
VD3: Xưng danh hiệu: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Vua Triều Nguyễn đều xưng Đế; Còn lại từ thời Lý đến thời Lê đều chấp nhận được Hoàng đế Trung Hoa tấn phong làm "An Nam Quốc Vương", đây là một chính sách ngoại giao mềm dẻo để tránh xung đột, nhưng về bản chất cũng là muốn Trung Hoa phải thừa nhận tính độc lập, riêng biệt của Việt Nam - một dân tộc mà Trung Hoa không thể đồng hóa;
VD4: Nhà nước phong kiến Việt Nam cũng có cách thức tổ chức nhà nước riêng, có pháp luật riêng. Mặc dù có tham khảo của Trung Hoa, nhưng Bộ Luật Hồng Đức vẫn có gần 2/3 số điều là không tìm thấy trong Luật Nhà Đường, Nhà Tống, hay Nhà Minh, điều đó thể hiện nét độc đáo riêng của một quốc gia có chủ quyền.
Cách 3. Khẳng định chủ quyền bằng chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng cương quyết, bằng ý thức xây dựng một nền văn hóa riêng.
Mềm dẻo: Mỗi khi một triều đại mới được thiết lập, nước ta đều có văn bản tấu trình và xin được tấn phong; Thường xuyên mang lễ vật quí hiếm sang cống nạp, và chấp nhận nhiều yêu sách của Trung Hoa; chủ động trao trả tù binh, chủ động cử sứ giả sang thiết lập quan hệ ngoại giao sau các cuộc chiến tranh.
Cương quyết:
Thực tế 2 nước Chiêm Thành, Ai Lao khi quấy phá và chủ động gây chiến với Đại Việt, triều đình phong kiến đã tổ chức phản công và sau đó đưa dân khai khẩn đất đai để mở rộng biên giới quốc gia.
Thời phong kiến, với sự đoàn kết một lòng, một dân tộc nhỏ bé như Việt nam đã chiến đấu và chiến thắng quân Nam Hán (thời Ngô); Quân Tống (Thời Tiền Lê, Thời Lý); Quân Nguyên Mông (Thời Trần); quân Minh (thời Lê sơ); quân Thanh (Tây Sơn). Hiểu như thế để thấy từ lâu tinh thần đoàn kết, cương quyết chống kẻ thù của người Việt Nam đã rất cao.
Xây dựng một nền văn hóa riêng: Ngôn ngữ Tiếng Việt không bị Tiếng Hán thay thế hoàn toàn, những phong tục, tập quán của người Việt vẫn được bảo lưu; Các hệ tư tưởng như Nho giáo, Đạo Giáo, Phật giáo khi sang đến Việt Nam đã được thâu hóa, tiếp biến phù hợp với văn hóa, lối sống của Người Việt. Người Việt từ chối lối văn hóa xem thường phụ nữ của người Hán. [VD: Bộ luật Hồng Đức cho phép phụ nữ thừa kế ruộng đất, cho phép phụ nữ được bỏ chồng; cho phép phụ nữ được thừa kế ruộng đất hương hỏa; VD: Ở Việt Nam có Thiền phái Trúc Lâm; Có hiện tượng Tam giáo Đồng nguyên v.v...].
Qua việc nghiên cứu cách thức khẳng định chủ quyền của cha ông, ta thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào và trân trọng những giá trị của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Là người Việt Nam, chúng ta không thể quên bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt ngày nào vang lên trên dòng sông Như Nguyệt khiến giặc Tống phải hồn xiêu, phách lạc:
Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định phận sách trời
Cơ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).
Bài thơ ấy sẽ còn mãi được nhắc đến như một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, khẳng định và thể hiện bản lĩnh, ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia của biết bao thế hệ người Việt Nam.
(Nguồn ảnh minh hoạ cho bài viết được lấy từ đây) Gửi bài viết này cho bạn bè qua Y!M:
Posted by Unknown
on 09:15. Tags
Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam
.
You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0.
Feel free to leave a response